Đó là nội dung của Chỉ thị số 08/CT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 25/5.
Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Tính đến 6h ngày 25/5/2021, Việt Nam đã có tổng cộng 3.975 ca ghi nhận trong nước và 1.486 ca nhập cảnh, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ 27/4/2021 đến nay là 2.405 ca.
Để bảo đảm mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các công việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông để tiêu thụ tại thị trường trong nước đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn của các địa phương đã, đang và sắp vào vụ thu hoạch.
Vải thiều là mặt hàng nông sản có sản lượng lớn - Ảnh: TTXVN |
Để công tác hỗ trợ được kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 theo dự báo còn diễn biến khó lường, Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, phối hợp các đơn vị của Bộ chỉ đạo hệ thống phân phối (truyền thống và hiện đại) tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ 2 lần trở lên so với năm cao nhất.
Đồng thời phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương thông qua Sở Công Thương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Chủ động phối hợp hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động kết nối trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội).
Vụ Thị trường trong nước cũng là đầu mối, phối hợp các đơn vị của Bộ tham mưu, triển khai, đề xuất các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn của thị trường, đặc biệt là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần.
Đặc biệt, cần phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt, hợp tác xã địa phương ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản trong năm 2021 và các năm tiếp theo…
Trong Chỉ thị này, Bộ Công Thương cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, chủ động hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số; tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng nông sản…; chủ động tổng hợp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phân phối ứng phó kịp thời với những biến động bất thường để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
PHÚC KHANG