Năm 2024: Nền kinh tế bứt phá trong khó khăn
Ngày 17/12, chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung tăng tốc, bứt phá, về đích năm 2024. “Sau phiên họp cần tổ chức thực hiện thật tốt để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2024; giữ nhịp phát triển trong năm 2025 với mục tiêu cao hơn mục tiêu Trung ương và Quốc hội đã giao, phấn đấu tăng trưởng khoảng 8%; tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 với tăng trưởng 2 con số để thực hiện các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Ba ngày sau, Thủ tướng đã ký Công điện số 137/CĐ-TTg về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Một tuần sau đó, tại Công điện số 140/CĐ-TTg, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 con số ngay trong năm 2025. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Thủ tướng một lần nữa khẳng định thông điệp: Việt Nam không thể tăng trưởng bình bình 6-7% như thời gian qua, phải tăng tốc, phải đột phá, đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.
Rõ ràng, thông điệp mạnh mẽ này vừa là mục tiêu, nhưng cũng dựa trên nền tảng kinh tế Việt Nam năm 2024 đã có “bước chạy đà” và bứt phá ngoạn mục. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin: Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ với tăng trưởng GDP ấn tượng 7,09%, vượt xa các dự báo và trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực. Đáng nói, nền kinh tế Việt Nam không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn ghi nhận sự cải thiện đáng kể về thu nhập bình quân đầu người. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 đã đạt hơn 11,51 triệu tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. Như vậy, GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Chưa kể, năng suất lao động của toàn nền kinh tế cũng tăng 5,88% so với năm trước, cho thấy chất lượng tăng trưởng cũng đang được cải thiện.
“GDP đạt trên 7% là thành quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn. Thành công này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam và khả năng thích ứng linh hoạt của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp trước các thách thức” - PGS,TS. Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng đánh giá.
Năm 2024 khép lại với những thành tựu đáng tự hào về tăng trưởng kinh tế, một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Kết quả này không chỉ là con số mà còn là sự nỗ lực, quyết tâm của cả đất nước. “Kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước” - bà Hương khẳng định.
Năm 2025: Tăng tốc cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Từ nền tảng năm 2024, PGS,TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chúng ta có đủ tiền đề, cơ sở để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số năm 2025. Bởi, Việt Nam sở hữu tiềm lực mạnh mẽ với khả năng chống chịu tốt và nguồn lực sẵn có, cùng với các động lực truyền thống sẽ tiếp tục được khai thác, đặc biệt là đầu tư công. Nhiều đại dự án đang được triển khai với tốc độ nhanh chóng, tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, nâng cao niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang được Việt Nam triển khai mạnh mẽ. Các tập đoàn quốc tế lớn như NVIDIA, Google và Samsung đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng, với cam kết tăng cường đầu tư trong những năm tới. Những yếu tố này tạo đà vững chắc cho Việt Nam bước vào một chu kỳ phát triển mới, hứa hẹn một năm 2025 bùng nổ về tăng trưởng kinh tế.
Trong ngắn hạn, cần tiếp tục tăng cường đầu tư công vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là phát triển đường cao tốc và sân bay. Trong trung và dài hạn, cần chú trọng phát triển hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh các dự án chiến lược như đường sắt cao tốc Bắc - Nam và điện hạt nhân.
TS. Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Đồng quan điểm, PGS,TS. Trần Việt Dũng nhấn mạnh, việc Chính phủ mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số cho năm 2025 thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược trong bối cảnh mới. Mục tiêu này dựa trên 3 nền tảng quan trọng: những thành tựu đạt được năm 2024, tiềm lực to lớn chưa được khai thác đầy đủ của nền kinh tế, và những cơ hội mới từ xu thế dịch chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cuộc cải cách toàn diện về tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương đang được triển khai quyết liệt sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2025. Việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp không chỉ giúp giảm chi phí vận hành, mà còn tạo ra một cơ chế điều hành thông suốt, hiệu quả hơn. Khi các rào cản hành chính được gỡ bỏ, quy trình được tối ưu hóa, sẽ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư.
Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng mà Thủ tướng đặt ra cho năm 2025, PGS,TS. Nguyễn Thường Lạng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA; khai thác tác động tích cực của đầu tư công, đầu tư FDI và đầu tư tư nhân để tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ cho nền kinh tế. Ngoài ra, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương để phát huy tính đặc thù và tăng cường liên kết vùng.
PGS,TS. Trần Việt Dũng cũng khẳng định, trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có nhiều xáo trộn, Việt Nam cần tận dụng tối đa làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Các thành phố lớn và các địa phương đầu tàu cần được trao quyền chủ động hơn nữa để tạo động lực tăng trưởng vượt trội, phù hợp với đặc thù và nguồn lực từng vùng miền. Một động lực quan trọng là việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Điều này sẽ tạo nền tảng thu hút đầu tư vào 3 lĩnh vực đột phá: chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây - những ngành có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cao và hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.../.