Theo đánh giá của Ban soạn thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 đến nay, đã bộc lộ nhiều quy định chưa phù hợp, gây chồng chéo trong công tác quản lý, đảm bảo trật tự, ATGT. Trong đó, Luật Giao thông đường bộ hiện hành vừa điều chỉnh công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội), vừa xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật).
Hoàn thiện quy định pháp luật để tạo dựng thói quen, văn hóa giao thông hiện đại, kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thiếu quy định phương tiện phải dừng lại quan sát trước khi nhập từ đường nhánh vào đường chính, sử dụng làn đường, chuyển hướng, sử dụng đèn tín hiệu, mở cửa xe... dẫn đến khó khăn về nhận thức, thực hiện và áp dụng pháp luật. Ngoài ra, Luật cũng chưa có các chính sách cụ thể để phát triển phương tiện giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Cũng theo Ban soạn thảo, hoạt động giao thông đường bộ liên quan, tác động trực tiếp đến quyền con người, đó là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản khi đi lại. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ hiện hành, chưa có các quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, ATGT liên quan cần bổ sung như: giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức chỉ huy, điều khiển, giải quyết ùn tắc giao thông, kể cả giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông…
Luật hiện hành cũng không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, ATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế - kỹ thuật. Trong khi đó, việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện của địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu tính chủ động.
Theo Bộ Công an – cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, khi Luật được ban hành sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trên; đồng thời là cơ sở xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, ổn định lâu dài, kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông.
Để làm rõ căn cứ cho thấy sự cần thiết và cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, Bộ Công an đã và đang tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo khoa học và lấy ý kiến về vấn đề này.
Box: Theo thống kê từ năm 2009-2021, lực lượng chức năng đã xử lý 65.200.379 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, nộp kho bạc nhà nước 33.235 tỷ đồng; xảy ra 596 vụ chống đối lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến hết sức phức tạp, đã phát hiện, xử lý hơn 40 nghìn vụ vi phạm pháp luật hình sự, bắt hơn 14 nghìn đối tượng.