Nhiều Quỹ thiếu vốn để cho vay
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường nhận định, thời gian qua, hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã tạo ra kênh tín dụng quan trọng cho các cơ sở kinh tế hợp tác cũng như tháo gỡ một phần khó khăn về vốn để HTX mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các Quỹ vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế.
Ông Cường cho biết, đến nay, hành lang pháp lý thống nhất cho tổ chức và hoạt động của các Quỹ còn thiếu. Hiện cả nước có 48 Quỹ với số vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.600 tỷ đồng. Các Quỹ đang hoạt động chủ yếu là quy mô nhỏ, gần 50% số Quỹ có mức vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có Quỹ vốn chỉ 1 - 2 tỷ đồng. Bởi vậy, nhiều Quỹ chưa đáp ứng nhu cầu lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh cho các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX, thành viên và người lao động.
Trên thực tế, nhu cầu vay vốn của các HTX là rất lớn nhưng số lượng HTX tiếp cận được Quỹ chưa nhiều. Theo Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Văn Đoàn, một trong những nguyên nhân là do các Quỹ chưa có sự liên kết, hợp tác thống nhất về đào tạo, công nghệ, đặc biệt là chưa có sự ủy thác vốn cho vay giữa các Quỹ T.Ư và địa phương, điều này dẫn đến tình trạng không ít Quỹ thiếu vốn để cho vay.
Từ góc nhìn pháp lý, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, căn cứ pháp lý trực tiếp để hình thành Quỹ mới chỉ dừng lại ở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên hiệu quả pháp lý không cao. Mô hình, tổ chức và mối quan hệ giữa quỹ T.Ư với các quỹ địa phương không được quy định rõ. Hơn nữa, phần lớn HTX sản xuất nông nghiệp chưa được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có tài sản đảm bảo khi vay vốn của Quỹ, trong khi sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro. Những hạn chế này khiến không ít Quỹ hoạt động kém hiệu quả, các HTX gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của Quỹ.
Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Tại Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ. Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, việc sớm có hướng dẫn thành lập, tổ chức hoạt động của các Quỹ ở địa phương sẽ giúp hoàn thiện hệ thống Quỹ từ T.Ư đến địa phương, từ đó có căn cứ để mở rộng hơn nữa các hoạt động hỗ trợ đối với HTX, tổ hợp tác và liên hiệp HTX, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Góp ý cho vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển đề xuất, Luật HTX 2012 cần được sửa đổi, trong đó quy định rõ việc thành lập Quỹ cấp T.Ư và Quỹ cấp địa phương. Trên cơ sở nêu trong Luật, Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập Quỹ T.Ư và Quỹ ở địa phương và cụ thể hóa mối quan hệ giữa các Quỹ này. Đồng thời, vốn NSNN cấp ban đầu cho các Quỹ cần được tăng cường, đi đôi với việc đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động, bao gồm cả vốn ODA. Các Quỹ cần đổi mới cơ chế hoạt động, tập trung hỗ trợ các HTX mới thành lập, hoạt động chưa quá 5 năm, những dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế thực sự cao, các HTX hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể thông qua hoạt động các Quỹ, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Huyền Anh cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức hoạt động của các Quỹ. Ngoài ra, hành lang pháp lý cần được xây dựng theo hướng Quỹ T.Ư đóng vai trò chủ đạo trong việc liên kết hệ thống như: tăng cường năng lực tài chính trên cơ sở cấp bổ sung vốn điều lệ từ NSNN đến năm 2020 tối thiểu là 1.000 tỷ đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách về cho vay, ủy thác cho vay và nhận ủy thác cho vay của các Quỹ ở địa phương. Đây sẽ là khuôn khổ pháp lý thống nhất và quan trọng cho việc thành lập, tổ chức, hoạt động của các Quỹ, tạo điều kiện thuận lợi để các Quỹ phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 24-5-2018