Tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ về phí và lệ phí

(BKTO) - Lần đầu tiên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37 diễn ra chiều ngày 06/4, Dự thảo Luật Phí và lệ phí đã nhận được sự đồng tình của đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu kỳ vọng, Dự Luật này sẽ tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí; khắc phục những bất cập của pháp luật phí, lệ phí hiện hành.




Trong Dự thảo Luật Phí và lệ phí, một số khoản phí như học phí, viện phí... sẽ được chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành. Ảnh: T.S
Khắc phục bất cập về phí, lệ phí

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật Phí và lệ phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Pháp lệnh Phí và lệ phí được ban hành từ năm 2001, có hiệu lực từ đầu năm 2002, qua 13 năm thực hiện, cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, đến nay một số quy định của pháp luật phí, lệ phí đã không còn phù hợp, bộc lộ hạn chế cần khắc phục.

Cụ thể, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa dịch vụ công cũng như cải cách thủ tục hành chính thì một số khoản phí, lệ phí hiện hành đã lạc hậu, không còn phù hợp, cần rà soát hoàn thiện để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công được cung cấp.

Mặt khác, việc xây dựng Luật Phí và lệ phí còn nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế; góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020; qua đó xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu... “Việc hoàn thiện chính sách phí, lệ phí góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực, góp phần giảm chi phí hành chính, minh bạch hóa hoạt động quản lý Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, theo báo cáo của Chính phủ, qua rà soát cho thấy chỉ còn 36/73 khoản phí được quy định trong Danh mục phí kèm Pháp lệnh phù hợp với thực tế hiện nay. Trên cơ sở kế thừa và xây dựng lại cho phù hợp, Dự thảo Luật Phí và lệ phí sẽ bao gồm 51 khoản phí được quy định trong danh mục phí, trong đó 36 khoản phí kế thừa Danh mục phí hiện hành và 15 khoản phí đang được quy định tại các Luật chuyên ngành. Tương tự, dự kiến Danh mục lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí sẽ có 39 khoản lệ phí, bao gồm 30 khoản lệ phí kế thừa Danh mục lệ phí hiện hành và 9 khoản lệ phí đang được quy định tại các Luật chuyên ngành.

Điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Phí và lệ phí là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí, viện phí... sẽ được chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành. Do đó, viện phí, học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá.

Đảm bảo minh bạch trong thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí

Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật và đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật Phí và lệ phí cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát một số nội dung cụ thể trong Dự thảo Luật nhằm đảm bảo tuân thủ quy định trong Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế và quản lý NSNN. Bên cạnh đó, cần thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và đổi mới chính sách phí, lệ phí.

Cùng với đó, vấn đề được các đại biểu quan tâm là tăng cường quản lý Nhà nước và kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc thu, quản lý và sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí, tránh trùng lắp, chồng lấn. Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, mục tiêu xây dựng Luật lần này tập trung phản ánh đầy đủ, kịp thời nguồn thu từ phí, lệ phí vào NSNN, bảo đảm minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí.

Làm rõ vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị, theo quy định NSNN là thống nhất, tất cả các khoản thu đều phải được dự toán và nộp vào ngân sách. Đối với các khoản phí và lệ phí cũng phải được dự toán và nộp vào NSNN sau đó mới được cấp lại một phần cho đơn vị thu phí. Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, tăng cường phân cấp trong thu, quản lý và sử dụng phí và lệ phí là cần thiết song Dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể, mang tính nguyên tắc về thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước. “Cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và phải có hướng dẫn cụ thể để tránh các hiện tượng tiêu cực như thu phí chồng phí, bảo kê...” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị.

Về Danh mục phí, lệ phí quy định trong Dự thảo Luật, đa số ý kiến nhất trí với việc bãi bỏ, chuyển sang cơ chế giá và bổ sung một số khoản phí, lệ phí như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Danh mục phí, lệ phí chưa cụ thể, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; một số loại phí, lệ phí chưa rõ về tên gọi với nội hàm. Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung và quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, có phân loại theo nhóm ngành cụ thể ngay trong Dự thảo Luật nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Tiếp thu các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ thêm các quy định trong Dự thảo Luật; rà soát bổ sung Danh mục các khoản phí, lệ phí đảm bảo đầy đủ, bao quát để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

ĐĂNG KHOA

Cùng chuyên mục
  • Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng
    9 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 6/4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủtịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã tiếnhành khai mạc phiên họp thứ 37. Dự kiến, phiên họp sẽ diễn ra đến hết ngày10/4.
  • Tốc độ tăng GDP quý I ước đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây
    9 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 01/4, Thủ tướng Nguyễn TấnDũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Tại phiên họp, Chính phủđã nghe, thảo luận về Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạchphát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình triển khai kế hoạch phát triểnkinh tế - xã hội năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm2015; Báo cáo tóm tắt bổ sung tình hình thực hiện NSNN năm 2014, tình hình triểnkhai dự toán NSNN năm 2015; Báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 và một số báo cáoquan trọng khác.
  • Hành động vì sự phát triển bền vững
    9 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Từ ngày 28/3 đến 01/4/2015, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện ngoại giao lớn nhất từ trước đến nay, thu hút sự tham gia của hơn 160 đoàn khách quốc tế bao gồm các Nghị viện thành viên Liên minh Nghị viện thế giới, thành viên liên kết cùng các tổ chức và khách mời quốc tế.
  • Kinh tế năm 2015: Triển vọng và thách thức
    9 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Năm 2014 đã khép lại với những kết quả khá khả quan,13/14 chỉ tiêu vĩ mô đều đạt và vượt kế hoạch, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ướctính tăng 5,98% so với năm trước, thị trường tài chính có những chuyển biếntích cực, cân đối ngân sách được cải thiện... tạo tiền đề quan trọng cho việcthực hiện các chỉ tiêu chính của năm 2015.
  • Hội nghị lần thứ 10, BCH Trung ương Đảng khóa 11: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng
    9 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thực hiện chương trình toàn khóa, sáng ngày 05/01, Hộinghị lần thứ 10, BCH Trung ương Đảng khóa 11 đã khai mạc trọng thể tại thủ đôHà Nội.
Tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ về phí và lệ phí