Tập trung chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động

(BKTO) - Thu nhập của người lao động tăng lên, trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý I năm 2024 là 8,5 triệu đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

3(2).jpg
Hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động tiếp tục được quan tâm. Ảnh: TTXVN

Theo dự thảo báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 98.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Thu nhập của người lao động tăng lên, trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý I năm 2024 là 8,5 triệu đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán Giáp Thìn là 6,8 triệu đồng, tương đương mức thưởng năm 2023, tuy nhiên có sự chênh lệch giữa các khu vực, loại hình doanh nghiệp.

Hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động tiếp tục được quan tâm; trên 10,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo Tết do Công đoàn tổ chức với tổng số tiền hơn 7 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ vé tàu, vé máy bay, vé xe cho hơn 240 nghìn lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền trên 106 tỷ đồng…

Vừa qua, đoàn viên, người lao động quan tâm và theo dõi nội dung kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV, tập trung vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…; mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 5 khóa XIII, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất thông qua 6 nội dung: Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033; Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Tập trung nguồn lực thực hiện chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới".

Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã thông qua Chương trình “Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể, giai đoạn 2023-2028”; Chương trình xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn các cấp 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới” được thông qua đã đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 sẽ xây dựng hệ thống chính sách, tập trung nguồn lực của tổ chức Công đoàn chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn; huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.

Theo đó, Tổng Liên đoàn đặt ra chỉ tiêu cụ thể: 100% đoàn viên được thông tin đầy đủ về các chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn. Trên 90% đoàn viên được thụ hưởng chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn hoặc Công đoàn phối hợp tổ chức; phấn đấu 100% đoàn viên được thăm hỏi, động viên, tặng quà khi gặp hoàn cảnh khó khăn.

Phấn đấu dành ít nhất 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở chi cho hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; 100% cán bộ công đoàn chuyên trách làm công tác chăm lo phúc lợi của công đoàn cấp trên cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chăm lo phúc lợi. Phấn đấu trên 80% cuộc đối thoại có nội dung về phúc lợi cho đoàn viên, người lao động tốt hơn quy định của pháp luật...

Để đạt được cac chỉ tiêu trên, Dự thảo Nghị quyết đề xuất 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền, chuyên môn xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; bố trí nguồn lực đủ mạnh bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.

Tập trung xây dựng, triển khai các chính sách dài hạn, bao trùm chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; triển khai đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn...

Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất không ban hành Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn để tập trung triển khai Đề án chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, thực hiện quy trình công tác quy hoạch năm 2024 chức danh Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra và các chức danh trong Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn nhiệm kỳ 2023-2028, và nhiệm kỳ 2028-2033.

Cùng chuyên mục
Tập trung chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động