Tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo, chiều 18/11.

0.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Chính phủ

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, dự báo GRDP của tỉnh năm 2022 có thể tăng 8,06%.

“Dự kiến đến hết năm 2022, tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó hoàn thành vượt mức 12/15 chỉ tiêu và hoàn thành 01 chỉ tiêu nhiệm kỳ” - ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc họp, ý kiến của các Bộ nhất trí cho rằng, Ninh Bình có vị trí địa lý quan trọng, chiến lược, trọng yếu về an ninh, quốc phòng, là điểm kết nối 3 khu vực địa lý Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; nằm trong tứ giác tăng trưởng: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh gắn kết với Thanh Hóa.

Các ý kiến “hiến kế” hướng đi cho Ninh Bình là tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia, có ý nghĩa quốc tế và là hạt nhân của vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh những thuận lợi, trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, thách thức: Ninh Bình là vùng phân lũ, chậm lũ bảo vệ Thủ đô Hà Nội và các vùng xung quang, chịu tác động chính ở 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp, đây cũng là nơi còn có dư địa, không gian phát triển, được định hướng tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu điểm phát triển dịch vụ du lịch, khu đô thị của tỉnh.

Việc giải quyết xử lý vướng mắc, mâu thuẫn trong quá trình phát triển còn nhiều bất cập, khó khăn; phải đảm bảo cân đối, hài hòa giữa bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử thiên nhiên thế giới với phát triển kinh tế-xã hội nhanh.

10 tháng vừa qua, kinh tế của Ninh Bình phục hồi, phát triển, GRDP đạt 8,32%. Riêng quý III/2022 tăng 12,64%. Năm 2022 là năm đầu tỉnh Ninh Bình thực hiện tự cân đối ngân sách. Ninh Bình là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. 9 tháng năm 2022 đã giải ngân đạt hơn 3.900 tỷ đồng, bằng 77,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, xếp 5/63 tỉnh thành.

Kết luận cuộc làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả quan trọng mà lãnh đạo, nhân dân Ninh Bình đã đạt được; đóng góp tích cực vào kết quả chung của đất nước; nâng cao uy tín và vị thế của Ninh Bình - vùng đất Cố đô, địa linh nhân kiệt.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển.

Thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 3 khâu đột phá của tỉnh (chuyển đổi số, nguồn nhân lực, hạ tầng).

Đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng (tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường Đông Tây, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh...)

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số, đặc biệt là Chỉ số PCI.

Thủ tướng lưu ý tỉnh không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, thiếu xăng dầu. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế; triển khai tích cực, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong tỉnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiếp tục tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã cho ý kiến đối với các kiến nghị cụ thể của Ninh Bình với tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển.

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng đã thăm, động viên lãnh đạo, người lao động tham gia sản xuất tại Tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô, dịch vụ logistics Huyndai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián Khẩu; dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây tỉnh Ninh Bình.

1.jpg
Thủ tướng thăm hỏi người lao động trên công trường tại Lễ phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Ảnh: Chính phủ

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Sự kiện do Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức tại công trường thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, TP. Tam Điệp, Ninh Bình.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về địa điểm tổ chức phát động thi đua - cố đô Ninh Binh, nơi địa linh nhân kiệt. Đây cũng là nút giao giữa hành lang kinh tế Đông-Tây của tỉnh Ninh Bình, cao tốc do Ninh Bình làm chủ đầu tư kết nối với đường bộ ven biển phía đông; kết nối di sản quốc gia Cúc Phương với đường ven biển, đường Hồ Chí Minh. Địa điểm này là sự kết hợp giữa công trình trọng điểm của Trung ương (cao tốc Bắc-Nam) và công trình trọng điểm của địa phương, kết nối giữa di sản với các công trình khác.

Điểm đặc biệt nữa là phong trào thi đua cũng là sự kết hợp của 2 nội dung: Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông - chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng hiện còn gặp nhiều khó, còn là điểm nghẽn đối với sự phát triển; tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp cả nước tập trung thi đua thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Triển khai nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng yêu cầu cần coi trọng công tác truyền thông chính sách; mong phong trào thi đua này và các phong trào thi đua trước đây sẽ đi vào lòng người; mỗi cán bộ đảng viên phải nỗ lực làm tốt nhất có thể, bằng những hành động thiết thực, cụ thể…

Trước khi dự Lễ phát động, Thủ tướng đã đi kiểm tra việc thi công tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông./.

Cùng chuyên mục
Tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông