Tập trung phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch

(BKTO) - Khẳng định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong quá trình phát triển du lịch sẽ khó tránh được những rào cản, vướng mắc. Điều quan trọng là các cơ quan phải cùng vào cuộc, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì mục tiêu chung là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

1_drtd.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn 

Sáng 6/6, tại Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng tiếp tục trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực VHTTDL.

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến giải pháp hạ giá thành vé máy bay để kích thích phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, nhưng Bộ VHTTDL cũng không đứng ngoài cuộc. Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ; tiến hành tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến các hiệp hội du lịch…

Từ đó thấy rằng, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay chiếm 30-40%. Qua làm việc với các bộ, ngành cho thấy, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở trạm sân bay; chi phí về giá đầu vào nhiên liệu; số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ nên số lượng máy bay không nhiều, đã ảnh hưởng đến giá máy bay.

Vì thế, Bộ VHTTDL đã đề xuất và đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá, phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour. Đối với các hãng hàng không, Bộ cũng đã đề xuất các doanh nghiệp này cố gắng đảm bảo có máy bay, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm để đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân, du khách. 

Bộ VHTTDL cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.

Và những đề xuất trên đã được xem xét, chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này, theo đó từ 28/5, giá vé máy bay trên các tuyến đã bắt đầu hạ nhiệt và đã có kết quả bước đầu.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu làm gì để đảm bảo du lịch miền núi, Tây Nguyên nói riêng và khu vực nông thôn nói chung phát triển, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó đã giao trách nhiệm chính cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự phối hợp của Bộ VHTTDL để phát triển du lịch nông thôn dựa trên tài nguyên văn hóa, tạo các điểm du lịch cộng đồng phù hợp với tập quán, đặc trưng văn hóa, khả năng điều hành cũng như tính lan tỏa cộng đồng...

dsc_5482.jpg
Ngành du lịch chú trọng phát triển du lịch nông thôn, du lịch đường sông. Ảnh: N.Lộc

Bộ trưởng cũng dẫn chứng những địa phương đã làm tốt việc này như: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng... Những điểm du lịch tiêu biểu hấp dẫn tại các địa phương này đã thu hút được nhiều du khách với cách làm riêng, quảng bá giới thiệu được những nét văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực độc đáo...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trong quá trình triển khai, Bộ VHTTDL, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhìn ra những bất cập. 

Các địa phương trong quá trình triển khai cần có những tính toán linh hoạt, phù hợp để vừa phát triển được du lịch nông thôn, vừa gìn giữ được những nét văn hóa độc đáo, cảnh quan môi trường...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Đối với chất vấn đại biểu liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn du lịch đường sông, đường biển, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam có lợi thế là bờ biển đẹp, được Đảng và Nhà nước quan tâm; hiện nay chúng ta có 6 cảng dịch vụ để phục vụ cho khách du lịch.

Bình quân mỗi năm, Việt Nam đón khoảng 300.000 lượt khách bằng đường biển, đem lại nguồn thu khá lớn cho ngành du lịch. Thời gian tới, sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của cảng biển; xây dựng gói sản phẩm để khi du khách di chuyển từ tàu lên đất liền được thăm quan, khám phá, trải nghiệm. Bộ VHTTDL đang hướng dẫn các địa phương có cảng biển xây dựng các tour linh hoạt, sáng tạo.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo với Chính phủ tiếp tục quan tâm và quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển để tạo điều kiện cho các tàu khách lớn, tàu du lịch lớn được cập cảng, có thêm lượng khách đến Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tập trung phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch