Tập trung quản lý kinh doanh bảo hiểm nhân thọ

(BKTO) - Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáng 01/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang xây dựng nghị định và thông tư nhằm tập trung quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

bt-phoc.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận, trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ vừa qua có những vấn đề như kênh liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm, tức là ngân hàng thương mại ký hợp đồng với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm cho khách hàng thông qua ngân hàng giới thiệu để hưởng hoa hồng. Bên cạnh đó, các hợp đồng dài chưa rõ ràng nên người mua thường đọc không kỹ nên dẫn đến việc thua thiệt khi khiếu kiện.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng nghị định và thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên; quy định định mức tối đa chi thưởng và các quy định về chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

“Chúng tôi đang tập trung vào những nội dung này để quản lý kinh doanh bảo hiểm nhân thọ” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Trước đó, tại phiên họp ngày 31/5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đã phản ánh về những bất cập của thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Theo đại biểu, về bản chất, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, sau nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian vừa qua đã khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại.

“Nhiều người đã vội vã kiểm tra lại hợp đồng của mình và không khỏi hoang mang. Nhiều người mang hợp đồng bảo hiểm đến công ty bảo hiểm hỏi nhưng nhận được thông tin hoàn toàn khác với thông tin mà tư vấn viên đã cung cấp cho họ. Nhiều người đang có kế hoạch mua bảo hiểm nhân thọ đã tạm gác lại việc này với một sự cảnh giác cao” - đại biểu nêu thực tế.

Đại biểu cho rằng, đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để những giá trị cốt lõi, nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi.

Liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đại biểu chỉ rõ, thông thường, một bộ hợp đồng dày khoảng từ 70 đến 100 trang, là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua, nếu gặp phải những tư vấn viên không có tâm.

Ngay cả những chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp luật không chuyên ngành bảo hiểm cũng gặp khó khăn trong tiếp cận. Nhiều chuyên gia cho biết là chỉ hiểu khoảng 70% nội dung hợp đồng.

Hơn nữa, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết đầu tư, tức là một phần tiền của khách hàng được các hãng đưa vào các quỹ chứng khoán, trái phiếu, nên càng phức tạp.

“Nhiều người chia sẻ là dù có đọc kỹ đến mấy thì cũng không thể hiểu nổi độ linh hoạt của các gói bảo hiểm, không thể hiểu nổi nếu thanh lý hợp đồng sau 3 năm, 5 năm hay 10 năm thì sẽ nhận lại được bao nhiêu số tiền đã đóng” - đại biểu thông tin.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng, đội ngũ tư vấn viên chính là khâu mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo tranh chấp vừa qua.

Đại biểu chỉ ra, vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên thay vì tư vấn rõ bản chất của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là phòng ngừa rủi ro thì lại cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm bảo hiểm để nhanh chóng chốt đơn, ký được hợp đồng.

Về công ty bảo hiểm và các đại lý bảo hiểm, dẫn thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đại biểu cho biết, trong năm 2022, qua thanh tra đã phát hiện 3.100 trường hợp đại lý bảo hiểm có sai phạm, trong đó có lỗi cố tình tuyên truyền sai về sản phẩm bảo hiểm.

Để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ, để người dân hiểu đúng, tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an từ các đơn tố cáo và dư luận phản ánh vừa qua cần xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc tội lừa dối khách hàng; nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra.

Các công ty bảo hiểm cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm, từ khâu thiết kế hợp đồng, khâu tư vấn bảo hiểm, khâu ký kết hợp đồng và khâu giải quyết khiếu nại của khách hàng. Chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không “quay lưng” với bảo hiểm nhân thọ.

Cùng chuyên mục
Tập trung quản lý kinh doanh bảo hiểm nhân thọ