Tập trung tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản

(BKTO) - Sáng 28/5, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhằm đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như bàn giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.



                
   

Quang cảnh buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Công Thương với Tập đoàn TKV - Ảnh: BCT

   

Đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng trong 4 tháng đầu năm, Tập đoàn vẫn đạt sản lượng sản xuất than nguyên khai là 13,62 triệu tấn; than sạch thành phẩm là 13,17 triệu tấn, đạt 35% kế hoạch năm. Tiêu thụ than đạt 13,89 triệu tấn, bằng 33% kế hoạch năm. Sản xuất điện đạt 3,34 tỷ kWh; Sản xuất hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp là 28.122 tấn.

Đầu tư xây dựng cơ bản của Tập đoàn trong 4 tháng đạt 1,8 nghìn tỷ đồng bằng 15% kế hoạch năm và bằng 103% so với cùng kỳ. Doanh thu của Tập đoàn đạt 38.610 tỷ đồng, đặt 31% kế hoạch năm, trong đó doanh thu than đạt 22.718 tỷ đồng; khoáng sản 4.588 tỷ đồng, điện 4.346 tỷ đồng…

Ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu tổng doanh thu đạt trên 700 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt 18 nghìn tỷ đồng và đảm bảo đủ việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, TKV đang gặp một số khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ than cho điện do công suất nhiệt điện than giảm, vấn đề phê duyệt đầu tư, triển khai một số dự án còn chậm; tiền cấp quyền khai thác, không còn quỹ thăm dò khoáng sản, quỹ môi trường…

Đối với việc triển khai dự án khai thác và chế biến sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), dự án Crommit Cổ Định (Thanh Hóa), dự án khai thác đất hiếm tại Lai Châu, TKV đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để Tập đoàn sớm triển khai.

Tháo gỡ những khó khăn cho Tập đoàn TKV

Đề cập đến những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho TKV, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, cần phải giải quyết 3 thách thức lớn.

Thứ nhất là mô hình quản trị nhà nước đối với TKV theo hướng thị trường hay kế hoạch tập trung.

Thứ hai là những tác động đối với ngành than khi thực hiện cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nhiệt điện than sẽ giảm trong tương lai gần, năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh.

Thứ ba là giải quyết những vấn đề về người lao động và công đoàn.
                
   

Hoạt động khai thác vận chuyển than - Ảnh: VietQ

   

Đối với các dự án mà TKV đề xuất tháo gỡ khó khăn, đại diện Cục Công nghiệp cho biết, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và có những hướng dẫn xử lý cụ thể cho từng dự án. Tuy nhiên, TKV cũng cần chủ động làm việc với chính quyền các địa phương và các Bộ, ngành liên quan, đồng thời có giải pháp truyền thông để tạo đồng thuận trong xã hội.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dẫn chứng, đơn cử như Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), TKV cần sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương. Hoặc những vướng mắc ở dự án Cromit Cổ Định (Thanh Hoá), cần chủ động thảo luận, thương lượng, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, tránh phát sinh khiếu kiện…

Về cấp than cho điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An yêu cầu TKV cần bám sát tình hình để có những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, sẵn sàng chuẩn bị trong trường hợp điện tăng trưởng cao.

Liên quan đến vấn đề thăm dò khai thác, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, cần sớm sửa lại quy định tài chính của TKV theo kinh nghiệm của ngành dầu khí, đảm bảo việc triển khai hiệu quả.

Đối với việc cổ phần hoá Công ty mẹ, mặc dù đề án đã được Chính phủ phê duyệt và đang triển khai nhưng với doanh nghiệp như TKV - hoạt động trong ngành năng lượng mang tính đặc thù, liên quan đến an ninh năng lượng - cần đánh giá xem có tiếp tục cổ phần hoá công ty mẹ giai đoạn này hay không vì khoáng sản là tài sản nhà nước, mà quyền cấp quyền khai thác lại cấp cho Công ty mẹ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, TKV cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tái cấu trúc Tập đoàn từ bộ máy, công tác quản trị, đến những kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh hàng năm, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đối với những kiến nghị của TKV, Bộ trưởng Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc của Bộ phối hợp xử lý, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền. Còn những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các Bộ, ngành, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp để phối hợp với các Bộ, ngành trao đổi, tháo gỡ trong thời gian tới…

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản