Tập trung thực hiện mục tiêu kép, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(BKTO) - Sáng 29/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.



                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Trình bày tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nêu rõ 08 kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Theo đó, năm 2021 đã chuẩn bị tốt nhất và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp; thông qua các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, NSNN, đầu tư công trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" linh hoạt trong bối cảnh mới với quan điểm chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; duy trì hợp lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được giữ vững, thu NSNN ước vượt dự toán. Ước thực hiện cả năm có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
                
   

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Tuy nhiên, trong năm, việc thực hiện dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế ước chỉ đạt 3,5-4%, tiềm ẩn một số rủi ro kinh tế vĩ mô; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Từ tháng 6/2021, nền kinh tế chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, nhất là các kết quả nổi bật đạt được là nhờ các chính sách điều hành hợp lý, linh hoạt với nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn, thách thức.

Các đại biểu cũng đánh giá về các chính sách hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ, công tác điều hành, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương… và cho rằng cần đánh giá tổng thể các nguồn lực đã chi cho công tác phòng, chống dịch bao gồm các nguồn chi từ NSNN, đóng góp của tổ chức cá nhân, các nguồn hỗ trợ.

Dự báo tình hình thế giới và trong nước trước nguy cơ tụt hậu và lỡ nhịp với xu hướng phục hồi kinh tế thế giới, các đại biểu đề nghị làm rõ động lực tăng trưởng trong nước từ tiêu dùng nội địa, đầu tư công, FDI và từ xuất khẩu để có biện pháp phù hợp. Theo đó, trong những tháng còn lại cần ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN, sớm có kế hoạch nghiên cứu gói hỗ trợ phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới; có biện pháp quyết liệt thực hiện cổ phần hóa DN và thoái vốn để tăng thêm nguồn thu ngân sách trong bối cảnh chi ngân sách rất lớn hiện nay.

Tán thành với chủ trương chuyển trạng thái từ mục tiêu "không có Covid-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng để thực hiện được mục tiêu này cần phải có kế hoạch, lộ trình, khung quy định với những phương án cụ thể để tùy mức độ tình hình của dịch bệnh sẽ có những phương án ứng xử phù hợp. Đồng thời áp dụng thống nhất giữa các địa phương để người dân, DN có thể chủ động trong sản xuất và sinh hoạt, có biện pháp dự phòng, tạo an tâm cho môi trường đầu tư.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nội dung báo cáo, ghi nhận những cố gắng của Chính phủ, của các Bộ, ngành, các địa phương, các DN, các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn đặc biệt khó khăn vừa qua. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, cân đối ngân sách khó khăn, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách tài khóa và tiền tệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan để tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề này, qua đó, cẩn trọng tham mưu, đề xuất chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ vững chỉ tiêu lạm phát và có giải pháp thực hiện cụ thể.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ xây dựng hoàn thiện báo cáo thẩm tra, gửi xin ý kiến các đại biểu và các cơ quan của Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 4 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 tới./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Tập trung thực hiện mục tiêu kép, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp