Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, đặt đạo đức công vụ và chất lượng kiểm toán lên hàng đầu

(BKTO) - Sáu tháng đầu năm 2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 5.531 tỷ đồng (trong đó tăng thu NSNN 1.501 tỷ đồng, giảm chi NSNN 4.030 tỷ đồng), kiến nghị khác 6.865 tỷ đồng và giảm lỗ của các doanh nghiệp 92 tỷ đồng.

281a9628.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Chiều 06/7, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng 6 tháng cuối năm 2023.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung, Bùi Quốc Dũng, cùng đông đủ các lãnh đạo đơn vị trực thuộc KTNN.

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của KTNN nêu rõ, tình hình thế giới những tháng đầu năm tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách vĩ mô của nhà nước, trong đó có hoạt động kiểm toán của KTNN.

Chủ động thích ứng với bối cảnh, toàn Ngành đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ”, giúp toàn Ngành hoàn thành Kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm 2023 với tiến độ, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là trong công tác kiểm toán, thực hiện kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023.

Trong đó, công tác xây dựng KHKT đảm bảo đúng pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Với phương châm “làm ít nhưng chất”, hạn chế tối đa sự xuất hiện các đoàn kiểm toán trên 01 địa bàn; mỗi kiểm toán viên tham gia không quá 02 đoàn kiểm toán/năm..., KHKT năm 2023 chỉ thực hiện 129 nhiệm vụ, giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn kiểm toán) so với năm 2022. 

Ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KHKT năm 2023 đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN); nhiều chuyên đề có phạm vi rộng, dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương...

Đặc biệt, lãnh đạo KTNN đã chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sát tình hình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán.

Nhìn chung, KHKT được triển khai đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt; báo cáo kiểm toán được phát hành cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra. 

Tính đến 15/6, toàn Ngành đã xét duyệt 89 KHKT, triển khai 76/169 đoàn kiểm toán, kết thúc 45 cuộc kiểm toán, lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 61 Dự thảo Báo cáo kiểm toán, phát hành 10 Báo cáo kiểm toán.

Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán; thành viên Đoàn kiểm toán chấp hành nghiêm Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên; hệ thống Chuẩn mực KTNN...

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 51 Dự thảo Báo cáo kiểm toán, 10 Báo cáo kiểm toán đã phát hành thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2023, KTNN đã kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 5.531 tỷ đồng (trong đó tăng thu NSNN 1.501 tỷ đồng, giảm chi NSNN 4.030 tỷ đồng), kiến nghị khác 6.865 tỷ đồng và giảm lỗ của các doanh nghiệp 92 tỷ đồng. 

Qua kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Cùng với đó, việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán luôn được lãnh đạo KTNN quan tâm chỉ đạo thực hiện. KTNN đã cung cấp 83 tài liệu, báo cáo kiểm toán cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương; 34 tài liệu, báo cáo kiểm toán cho Văn phòng Quốc hội và đại biểu Quốc hội; 85 tài liệu, báo cáo kiểm toán cho cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an và 12 tài liệu cho các cơ quan khác; cung cấp nhiều kết quả kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trong Ngành đã có nhiều ý kiến đóng góp, phân tích, làm rõ những kết quả tích cực trong hoạt động công tác 6 tháng đầu năm 2023, cũng như thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập cần chấn chỉnh; đồng thời đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán trong thời gian tới.

Kết luận Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhất trí với báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2023, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Kiểm toán nhà nước đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập của các đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ, đồng thời yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành phải kiên quyết khắc phục những hạn chế, tồn tại, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác theo kế hoạch và nhiệm vụ đột xuất được Tổng Kiểm toán nhà nước giao. 

Đặc biệt, đối với các đơn vị kiểm toán và đơn vị có liên quan, cần tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, gồm: Hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán còn lại theo KHKT năm 2023; chuẩn bị tốt nội dung giải trình trước Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; chuẩn bị tốt ý kiến của KTNN đối với dự toán NSNN năm 2024; đồng thời chú trọng công tác chuẩn bị, xây dựng KHKT năm 2024. 

 Trong quá trình kiểm toán, cần đảm tập trung phân tích rủi ro, xác định trọng yếu, đảm bảo yếu tố bằng chứng kiểm toán; kết quả kiểm toán cần chú trọng đến việc phát hiện những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách để kiến nghị thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị kiểm toán cần quan tâm hơn đến chất lượng kiểm toán, từ khâu lựa chọn vấn đề kiểm toán, trong đó chú ý lựa chọn các vấn đề quan trọng của quốc gia; những vấn đề "nóng", được dư luận xã hội quan tâm; đồng thời thực hiện tốt kế hoạch kiểm toán, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu./.

Cùng chuyên mục
Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, đặt đạo đức công vụ và chất lượng kiểm toán lên hàng đầu