Tây Ninh có 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững

(BKTO) - Chiều 05/5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

1(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CP

Hội nghị đánh giá Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.

Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Quy hoạch đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Tây Ninh trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước.

2(1).jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: CP

Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng cơ bản thống nhất với nội dung Hội nghị; bày tỏ sự ấn tượng với khát vọng, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh trong các thời kỳ và trong xây dựng, triển khai Quy hoạch; phân tích và nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm.

Theo Thủ tướng, Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế. Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước; là tỉnh biên giới có vị trí địa chính trị quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, là "phên dậu" hướng Tây Nam của Tổ quốc; vai trò kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ và hành lang kinh tế xuyên Á.

Tây Ninh có tiềm năng lớn phát triển kinh tế cửa khẩu, đặc biệt khi thương mại với Campuchia đang tăng rất nhanh, là điểm kết nối trực tiếp và gián tiếp với một số nước Đông Nam Á.

Tây Ninh hội đủ 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững: Có điều kiện khí hậu ôn hòa, hầu như không bị thiên tai, bão lũ, có nguồn nước ngọt dồi dào; còn dư địa về đất đai cho sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp tương đối lớn so với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và có tiềm năng du lịch; người dân Tây Ninh có truyền thống cách mạng, cần cù, sáng tạo, chịu thương chịu khó, chất phác, nghĩa tình, có nguồn lực lao động trẻ; lựa chọn được những nhà đầu tư chiến lược trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch.

Về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của Tây Ninh đạt 6,12%, cao hơn mức bình quân chung cả nước, xếp thứ 2 vùng Đông Nam Bộ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,5%, duy trì nằm trong top 15 tỉnh, thành thu hút FDI cao của cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; thu NSNN đạt 11.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch…

Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao công tác giảm nghèo và chăm lo đối tượng chính sách, 5 năm liền là địa phương trong 10 tỉnh, thành phố có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước…

3(1).jpg
Thủ tướng trao quyết định Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Ảnh: CP

Tây Ninh sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy mới, tạo động lực mới

Đánh giá cao các nội dung của Quy hoạch, đặc biệt là việc phát triển "Tây Ninh xanh" và xác định "1 vành đai an sinh xã hội gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước", Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tây Ninh cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".

"Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

"Hai tăng cường" là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi.

"Ba đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất-cung ứng cho khu vực, thế giới, nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

Đồng thời, tỉnh Tây Ninh cần phải lưu ý 5 "bảo đảm" trong triển khai quy hoạch: Bảo đảm tính tuân thủ của quy hoạch; bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch; bảo đảm tính liên kết của quy hoạch; bảo đảm tính ổn định, kết thừa, phát triển của quy hoạch; bảo đảm tính linh hoạt, mở rộng của quy hoạch.

Theo Thủ tướng, cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là tư duy, tính năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh.

Để triển khai Quy hoạch được thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị Tây Ninh thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó lưu ý phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tập trung cải thiện xếp hạng các chỉ số liên quan cải cách hành chính, môi trường đầu tư…

Về công tác thông tin, truyền thông, Thủ tướng lưu ý tỉnh phải phổ biến quy hoạch sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".

Thủ tướng đề nghị các các bộ, ngành Trung ương tiếp tục chủ động, tích cực đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Tây Ninh tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch; nâng cao năng lực thực thi các cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát; không để xảy ra cơ chế "xin-cho" dễ phát sinh tiêu cực.

Các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai đồng bộ các quy hoạch tỉnh gắn với đẩy mạnh liên kết vùng; cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố; đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, không triển khai một cách manh mún, cạnh tranh.

Với các nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn phát huy sứ mệnh trên tinh thần "ba cùng" giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp: "cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển" trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".../.

Cùng chuyên mục
Tây Ninh có 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững