Tết này nói không với tiền mặt

(BKTO) - Không chỉ là các dịch vụ ngân hàng đơn thuần, hiện nay, trên ứng dụng của ngân hàng, người dân đã có thể sử dụng nhiều dịch vụ khác như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử… Từ đó, cho phép người dân, doanh nghiệp giao dịch mua bán, thanh toán an toàn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí.

anh-1.jpg
Nhiều tuyến phố không dùng tiền mặt đã có mặt ở các miền quê.

Yên tâm ra đường không mang ví

“Tết này nói không với tiền mặt”, đó là câu trả lời của nhiều người dân khi được hỏi về dự định chuẩn bị tiền mặt chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo chị Hoàng Bích Ngọc (Long Biên, Hà Nội), những năm trước, nhu cầu tiền mặt mỗi khi Tết đến của gia đình rất cao để sử dụng nhiều mục đích như mua sắm, mừng tuổi bạn bè người thân, đi lễ chùa đầu năm… Nhất là tiền mới luôn được “săn lùng” những tháng giáp Tết. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, gia đình chị không phải đau đầu đổi tiền bởi mọi thứ đã được giải quyết chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh.

“Hiện nay, mọi cửa hàng, siêu thị đều chấp nhận TTKDTM. Từ chợ dân sinh, quán vỉa hè hay cả đền, chùa đều có mã QR để thanh toán. Lì xì cũng đã có app ngân hàng, ví điện tử kèm theo thiệp chúc online rất đa dạng, đẹp mắt. Mọi thứ đều được thực hiện nhanh gọn nên tôi không cần mang theo tiền mặt trong người”, chị Ngọc chia sẻ.

anh-2.jpg
Các quầy bán hàng ven đường cũng đã sử dụng QR Code.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các hình thức TTKDTM hiện đã “len lỏi” khắp nơi trong cuộc sống, từ các vùng quê xa xôi đến thành thị tấp nập. Chỉ mất vài phút, mỗi người dân hay cửa hàng đều đã có thể tạo một mã QR thanh toán của riêng mình, tạo nhiều thuận lợi trong quá trình giao dịch. Hình thức thanh toán hiện đại này giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo độ chính xác và quản lý chi tiêu dễ dàng hơn.

Thống kê từ NHNN cho thấy, 77,41% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản thanh toán, nhiều ngân hàng báo cáo trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, có ngân hàng đạt tỷ lệ tới 98%. Về số lượng giao dịch, số lượng giao dịch năm 2023 đã đạt 7 tỷ giao dịch thể hiện nỗ lực tăng trưởng vượt bậc, là thành quả từ các chính sách của NHNN, quyết tâm của NHTM trong thúc đẩy TTKDTM.

Hiện thanh toán qua Internet, Mobile và phương thức QR Code đều tăng trưởng nhanh. Đến nay đã có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 52 tổ chức thực hiện qua Mobile. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua Internet và Mobile bình quân qua các năm lần lượt đạt mức 46,48%, 90,12%; riêng thanh toán qua QR Code, từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng về số lượng giao dịch qua QR Code bình quân năm đạt 471,13%.

Không chỉ là các dịch vụ ngân hàng đơn thuần, hiện nay, trên ứng dụng của ngân hàng, người dân đã có thể sử dụng nhiều dịch vụ khác như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số… Từ đó, cho phép người dân, doanh nghiệp giao dịch mua bán, thanh toán an toàn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Nỗ lực đảm bảo an toàn khi thanh toán

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao – Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, thanh toán bằng QR Code đang là hình thức thanh toán đầy tiềm năng và đang tăng trưởng mạnh mẽ trên thế giới và cả ở Việt Nam. Doanh số toàn cầu thị trường QR của năm 2023 là 58,5 tỷ USD, tăng 522% so với năm 2022.

Tại Việt Nam, theo thống kê, tổng số lượt QR thanh toán và chuyển khoản không ngừng tăng trưởng qua các năm với tốc độ cao. Riêng tại BIDV, về mạng lưới, VietQR đã phát triển với 6,4 triệu điểm, QR thanh toán đạt trên 10.000 điểm với doanh số thanh toán đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/năm.

BIDV cũng là ngân hàng tiên phong về giải pháp QR xuyên biên giới hai chiều (Thái Lan, Campuchia), đồng thời tiếp tục mở rộng với hai nước Lào và Trung Quốc.

Theo bà Giao, hình thức thanh toán qua mã QR tại Việt Nam có một số thuận lợi đó là đã có tiêu chuẩn cơ sở về QR do NHNN ban hành; người dùng đã bắt đầu có thói quen sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử thay thế cho tiền mặt; NHTM, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán, ví điện tử sẵn sàng tham gia phát triển thị trường.

anh-3.jpg
An toàn, bảo mật là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên, khi số lượng khách hàng tăng, giao dịch tăng cả số lượng và chất lượng, kết nối phức tạp cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán. Cụ thể, đó là việc tăng trưởng số lượng tài khoản đi kèm vấn nạn sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản thanh toán, hay việc nhiều cá nhân mở tài khoản rồi bán lại cho người khác sử dụng, các giao dịch bất hợp pháp…

Hiện các nhà băng đang nỗ lực nâng cấp công nghệ, đầu tư hệ thống để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán, đồng thời thường xuyên phát đi những thông tin cảnh bảo cho khách hàng các phương thức lừa đảo mới.

Đại diện TPBank cho biết, ngân hàng luôn thực hiện giám sát theo kết hợp các tiêu chí: giao dịch giá trị lớn, giao dịch vào thời gian bất thường, các giao dịch có nội dung chuyển tiền liên quan đến giải ngân hoặc cờ bạc, cá độ, giao dịch tới cùng 1 người thụ hưởng… Đồng thời, kết hợp với báo cáo, cảnh báo từ Napas, ví điện tử, ngân hàng thụ hưởng , tổ chức trung gian thanh toán… để xác định giao dịch đáng ngờ.

Ngoài ra, ngân hàng cũng tích cực các chuyên đề kiểm tra về rủi ro hoạt động nhằm nhận diện, phát hiện kịp thời các trường hợp gian lận từ khách hàng và gian lận nội bộ, các trường hợp lừa đảo. Đồng thời, tích cực cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chức năng có liên quan trong việc ngăn ngừa, phát hiện, phòng chống tội phạm theo quy định pháp luật.

Tuy đã rất nỗ lực, nhưng đại diện ngân hàng cũng cho biết, chưa thể phát hiện, ngăn chặn toàn bộ các giao dịch nghi ngờ gian lận cho đến khi triển khai xong xác thực qua sinh trắc học và căn cước công dân gắn chip ví dụ trường hợp cho thuê, cho mượn tài khoản hoặc trường hợp đối tượng giả mạo tinh vi căn cước công dân gắn chip.

Chính vì vậy, thời gian tới, các ngân hàng cho rằng cần triển khai định danh khách hàng bằng sinh trắc học/căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNIeD) một cách nhanh chóng và đồng bộ giữa các TCTD để ngăn ngừa, hạn chế triệt để tình trạng gian lận, lừa đảo qua tài khoản. Ngoài ra, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, truyền thông về các thủ đoạn gian lận, lừa đảo hay chia sẻ danh sách đen, danh sách nghi ngờ giữa các TCTD./.

Cùng chuyên mục
Tết này nói không với tiền mặt