Sử dụng CCCD gắn chíp để KCB BHYT giảm nhiều thủ tục giấy tờ cho người dân, góp phần quản lý chặt chẽ quỹ BHYT
Ông Trần Thiên Thai - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Bình – cho biết: Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 06), trong đó có mục tiêu “Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng CCCD, trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như thẻ BHYT.
Thực hiện Quyết định 06, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, ngay từ tháng 3/2022, BHXH tỉnh và Sở Y tế Thái Bình đã ban hành công văn hướng dẫn và đôn đốc các cơ sở y tế triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT; bảo đảm việc đối chiếu trùng khớp giữa thông tin trên thẻ BHYT, CCCD hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh với người bệnh thực tế.
Việc sử dụng CCCD gắn chíp để KCB BHYT rất thuận tiện, giảm bớt nhiều thủ tục giấy tờ cho người dân, góp phần quản lý chặt chẽ quỹ BHYT và bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia.
Đến hết tháng 11/2022, Thái Bình có 1.615.970 người tham gia BHYT, chiếm 86,2% dân số toàn tỉnh, trong đó có 479.703 người tham gia BHYT hộ gia đình. Có 2.085.393 lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng 199.093 lượt so với năm 2021). Công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 4.720 tỷ đồng, tăng 540,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, đạt 89% dự toán được giao.
Đến nay, đã có 295/295 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, đạt 100%; số lượt tra cứu CCCD gắn chíp đạt gần 150.000 lượt người, số thực hiện thành công gần 90.000, đạt trên 60%.
Khắc phục những vướng mắc trong giai đoạn thí điểm
Ông Trần Thiên Thai cho biết thêm, nếu người tham gia BHYT đã được cập nhật số định danh cá nhân (ĐDCN)/CCCD vào cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý và được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT khi đi KCB.
Nếu người tham gia BHYT chưa được cập nhật số ĐDCN/CCCD và chưa được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người tham gia BHYT cung cấp số ĐDCN/CCCD cho đơn vị quản lý, tổ chức dịch vụ thu quản lý người tham gia hoặc bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính của cơ quan BHXH.
Khi thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp, một số trường hợp có thời gian KCB BHYT kéo dài hơn đối chiếu thẻ BHYT bằng giấy, nguyên nhân là do đối với các cơ sở KCB chưa trang bị đầu đọc mã vạch QR code khi tra cứu phải thực hiện nhập thông tin CCCD thủ công trên cổng tiếp nhận thuộc hệ thống thông tin giám định BHYT, rồi sử dụng mã thẻ BHYT tra cứu được để nhập sang phần mềm thanh toán chi phí KCB BHYT.
Bên cạnh đó, do thông tin thẻ BHYT trên CCCD gắn chíp chưa được liên thông đầy đủ nên sau khi tra cứu không thành công, cơ sở KCB lại phải yêu cầu bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT bằng giấy hoặc hình ảnh trên VssID để KCB.
Cũng trong giai đoạn triển khai thí điểm, một số đầu đọc mã vạch đang sử dụng tại cơ sở KCB khi quét mã trên CCCD vẫn còn bị lỗi font chữ…
Mặc dù còn một số vướng mắc nêu trên, nhưng việc sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT đem lại nhiều tiện ích cho người dân, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, qua đó phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng Chính phủ số, quốc gia số.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai sử dụng CCCD trong KCB BHYT, phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT, BHXH tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành và phối hợp với các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thí điểm sử dụng CCCD trong KCB BHYT.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tham gia BHYT biết thông tin về việc có thể sử dụng CCCD gắn chíp khi đi KCB cũng như tiện ích của việc KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp.
Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các giám định viên phối hợp chặt chẽ với các cơ sở KCB kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người tham gia BHYT khi đi KCB bằng CCCD gắn chíp, giảm thời gian đăng ký KCB tại các cơ sở y tế, tạo thuận lợi cho người bệnh.
Với sự phối hợp chặt chẽ của BHXH tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị liên quan, sự đồng thuận của người dân, trong thời gian tới, tỷ lệ người dân Thái Bình sử dụng CCCD gắn chíp để KCB BHYT sẽ nâng lên, quyền lợi của người dân khi đi KCB BHYT sẽ được bảo đảm và kịp thời hơn./.