Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 tại khu cách ly tập trung tỉnh Thái Bình |
Chủ động tấn công dịch
Ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4, tỉnh Thái Bình đã xuất hiện một số ca Covid-19 có yếu tố dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Qua công tác điều tra truy vết, có 1.527 người dân đến khám, chữa bệnh tại 2 bệnh viện trên.
Trước tình hình cấp bách, ngày 05/5, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Công điện về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 06/5 Thái Bình tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng tại tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg.
Tính đến trưa ngày 13/5, Thái Bình đã ghi nhận 13 người mắc Covid-19 đều đã được cách ly và điều trị, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, ngay trong sáng 13/5, sau khi ghi nhận 4 em sinh viên mắc Covid-19, ngành y tế đã phong tỏa ngay các nơi em sinh viên lưu trú, đã truy vết nhanh tất cả các trường hợp tiếp xúc bao gồm cả F2 và F3. Có 27 người tiếp tiếp xúc gần (F1) và tiếp tục truy vết F2 để có biện pháp cách ly. Đồng thời, chỉ đạo Đại học Y Dược Thái Bình, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh rà soát ngay những người tiếp xúc gần để truy vết cách ly.
Sở Y tế Thái Bình đã triển khai bệnh viện dã chiến, sử dụng cơ sở vật chất hiện có của BVĐK tỉnh với quy mô 500 giường, theo phương châm 4 tại chỗ; triển khai việc xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2; yêu cầu hạn chế chuyển tuyến và yêu cầu các bệnh viện phải có kịch bản tiếp nhận ca bệnh để có phương án sẵn sàng đối phó, không bị động, không chủ quan.
Thái Bình cũng triển khai ngay việc xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Thái Bình, BVĐK tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phổi cùng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đảm bảo xét nghiệm cho kết quả nhanh, chính xác đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch thần tốc. Năng lực xét nghiệm được 10.000 mẫu gộp.
Thường xuyên kiểm tra, tăng cường xét nghiệm sàng lọc
Tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng dịch tại Thái Bình là xâm nhập có nguồn gốc rõ ràng. Đây là điều quan trọng giúp địa phương kịp thời khoanh vùng được. Do đó, Thái Bình cần giám sát chặt, điều tra kỹ lưỡng, không để mất dấu nguồn lây.
Theo đó, cần tiếp tục rà soát hết những người liên quan đến 2 bệnh viện trung ương và BVĐK tỉnh, liên tục rà soát, không được để sót trong cộng đồng. Đồng thời, đề nghị lực lượng công an vào cuộc cùng hỗ trợ truy vết; thực hiện cách ly F1 triệt để.
Khu cách ly trung tâm tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình |
Ông Trần Như Dương nhấn mạnh, đối với những địa bàn phong tỏa phải đạt 2 mục tiêu: Khóa chặt ổ dịch để nguồn lây không lan ra các xã, huyện khác đồng thời dập tắt dịch bên trong và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong khu phong tỏa.
Bên cạnh đó, tổ chức giám sát triệt để, có hệ thống, toàn diện đến từng trường hợp có biểu hiện bệnh. Kích hoạt ngay các Tổ Covid-19 cộng đồng vì đó là nền tảng, là “mắt thần” của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp…
Đối với công tác phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, đề nghị các nhà máy, khu công nghiệp xây dựng kịch bản khi có ca bệnh, kịch bản khi phong tỏa…; đồng thời chủ động lấy mẫu ngẫu nhiên ở những nơi có nguy cơ và cả những vùng được coi là “an toàn”.
Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh cho biết, xác định Thái Bình luôn có nguy cơ cao và công an là lực lực nòng cốt trong truy vết. Tỉnh đã thành lập Tổ covid-19 cộng đồng với trên 13.000 người và sẽ quán triệt, chỉ đạo nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, Thái Bình là địa phương có biển nên cần phải cảnh giác hướng này. Theo báo cáo mới nhất của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chủng virus ghi nhận những người mắc Covid-19 ở Thái Bình là chủng tại Ấn Độ, vì vậy tỉnh không được phép lơ là, chủ quan.
Theo đó, phải huy động toàn thể nhân dân vào cuộc; phát huy vai trò của mỗi người dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thường xuyên kiểm tra; tăng cường xét nghiệm sàng lọc.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, Thái Bình cần duy trì kiểm tra thường xuyên các bệnh viện, kể cả bệnh viện ngoài công lập. Những bệnh viện ngoài công lập không đủ điều kiện chống dịch phải cương quyết đóng cửa. Đối với bệnh viện công lập, phải dự phòng và chống lây nhiễm chéo, bộ phận điều trị trực tiếp thực hiện nghiêm phòng bệnh….
Cùng với đó, tỉnh cần chủ động tập huấn lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ xã, sinh viên năm thứ 4, 5 để có nguồn dự phòng.
Tin và ảnh: Đ. KHOA - T. DŨNG