Tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(BKTO) - Sáng 09/01, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện bộ ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực kinh tế, giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, nông nghiệp phát triển nông thôn, các viện nghiên cứu về kinh tế, xã hội…Về phía thành phố Hà Nội, tham dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải và lãnh đạo một số cơ quan liên quan. 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho ý kiến tham vấn đối với Quy hoạch Thủ đô. Tính đến nay, đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, hoàn thành thẩm định xong 59/63 quy hoạch, phê duyệt 52/63 quy hoạch tỉnh thành trong cả nước, còn 4 địa phương chưa lập xong quy hoạch gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Riêng quy hoạch Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thời gian vì tính chất phức tạp, quy mô lớn, cần phải làm cẩn thận.
Với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục, là cực tăng trưởng của đất nước trong những năm qua, việc phát triển Hà Nội có vai trò quyết định đến kinh tế đất nước. GRDP Hà Nội đang chiếm khoảng 14% của cả nước. Với vai trò đi đầu, dẫn dắt và lan tỏa, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu cho ý kiến tập trung vào 5 nội dung: Cho ý kiến các vấn đề xác định trọng tâm cần giải quyết; cho ý kiến việc xác định quan điểm, mục tiêu, các kịch bản phát triển Thủ đô; cho ý kiến các ngành, lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên; cho ý kiến định hướng không gian phát triển của Thủ đô, hành lang phát triển dịch vụ, bền vững; cho ý kiến định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của Hội thảo, những tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu là cơ sở quan trọng để Hà Nội có thêm luận cứ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình báo cáo Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội thảo
Năm 2023, Hà Nội xây dựng đồng thời 3 nội dung quan trọng để cụ thể hóa chủ trương mang tính chất chiến lược của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 05/5/2022 về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2045 và văn kiện quan trọng khác, nhằm tạo thể chế phát triển đồng bộ vượt trội đặc thù và thực hiện các giải pháp cơ chế chính sách nhằm khai thác tận dụng nguồn lực để xây dựng và phát triển Thủ đô…Hiện hồ sơ quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên hội đồng thẩm định, hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang được tích hợp gồm đề xuất sở, ngành, quận huyện cùng báo cáo đánh giá đơn vị cố vấn. Các chuyên gia nhà khoa học và liên danh tư vấn đã nghiên cứu và xác định 5 trụ cột Thủ đô được xác định: văn hóa và di sản; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ tạo kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh mong muốn Hội thảo tập trung vào 6 nội dung cụ thể. Thứ nhất, là kết cấu báo cáo, bổ sung thêm lịch sử hình thành phát triển Thủ đô, là nội dung ngoài quy hoạch nhưng do Hà Nội có bề dày ngàn năm văn hiến, lịch sử hình thành có ảnh hưởng rất lớn tới việc xác định triết lý tư duy, tầm nhìn, nội dung và nội hàm quy hoạch Thủ đô. Thứ hai, là xác định điểm nghẽn, thuận lợi khó khăn, cơ hội, thách thức trong bối cảnh mới và mục tiêu trở thành thành phố hàng đầu. Thứ ba, là bảo vệ, khai thác giá trị hệ thống sông hồ, hài hòa giữa phòng, chống lũ và khai thác giá trị để phát triển. Thứ tư, là phân vùng kinh tế, phân vùng đô thị, liên huyện. Đối với mô hình thành phố thuộc Thủ đô, ngoài 2 thành phố phía Tây và phía Bắc theo Nghị quyết 15-NQ/TW, các chuyên gia cho rằng có thể nghiên cứu phát triển thành phố văn hoá, du lịch Sơn Tây, Ba Vì và phía Nam - Phú Xuyên. Thứ năm, là giải pháp hữu hiệu huy động nguồn lực để phát triển, nhất là nguồn lực mới, khơi thông nguồn lực đang tồn tại dưới dạng tiềm năng. Thứ sáu, là bảo vệ môi trường và các nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Giải quyết điểm nghẽn trong Quy hoạch Thủ đô
Tham gia góp ý đối với Quy hoạch Thủ đô, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chỉ ra 5 điểm nghẽn của Hà Nội đang cần phải tháo gỡ là thiếu thể chế vượt trội, Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua vẫn chưa đủ thể chế mạnh cho Hà Nội, theo đó cần phải xin cơ chế đặc thù bằng Nghị quyết Quốc hội; hai là hạ tầng thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông công cộng đặc biệt là đường sắt đô thị chưa phát triển; ba là ô nhiễm môi trường và các quy định khai thác dòng sông chưa phù hợp, đang làm mất đi lợi thế tự nhiên; thêm vào đó, quy hoạch đô thị chậm đổi mới, quy chuẩn quy hoạch chưa theo khuynh hướng hiện đại, năng lực quản lý còn hạn chế, chưa có động lực để nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm chưa tạo được đột phá trong quản lý để mở đường cho phát triển. Từ đó, đại biểu đưa ra 5 quan điểm chung cho Quy hoạch Thủ đô để thúc đẩy Thủ đô phát triển.
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tham luận
TS Cao Văn Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với dân số khoảng 9 triệu người, hạ tầng đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của Hà Nội. Chưa có hệ thống giao thông ngầm là hạn chế rất lớn đối với Thủ đô. Cần phải làm rõ khả năng phát triển và khớp nối hạ tầng giao thông của Thủ đô trong 10-15 năm tới. Tính toán phương án vay và triển khai đồng bộ hay trình tự từng tuyến giao thông. Ngoài ra TS Cao Văn Sinh cũng đề nghị làm rõ thêm giải pháp về cách huy động nguồn lực, có giải pháp gì đột phá về tư duy, thể chế, hạ tầng ngoài một số được quy định trong Luật Thủ đô khi Luật được thông qua có hiệu lực.
Lựa chọn, tập trung, ưu tiên ngành mũi nhọn
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á cho rằng, trước khi lập quy hoạch cho Hà Nội cần tập trung trả lời câu hỏi, yếu tố nào là động lực để thúc đẩy tăng trưởng cho Hà Nội. Ông cho rằng, phát triển kinh tế không nên tập trung quá nhiều ngành, mỗi ngành phát triển một ít, mà nên tập trung vào ít ngành, thúc đẩy ngành đó tăng trưởng mạnh mẽ. Đề cập tới 3 xu hướng có tầm ảnh hưởng tới kinh tế Hà Nội là chuyển dịch sản xuất sang nước khác, chuyển đổi xanh từ sản xuất nhiều cacbon sang năng lượng tái tạo, và trí tuệ nhân tạo AI là xu hướng mới ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế các quốc gia trên thế giới. Ông Malone đề xuất Hà Nội nên lựa chọn ngành có lợi thế thuộc lĩnh vực chuyển đổi xanh, đặc biệt là tài chính ngân hàng, ngành sử dụng trí tuệ nhân tạo như sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao. 
Về quy hoạch không gian ở Hà Nội, thách thức lớn là Hà Nội làm thế nào vừa hiện đại hóa thành phố nhưng vẫn giữ gìn bề dày văn hóa lịch sử sẵn có. Hà Nội có thể tham khảo 3 thành phố ở châu Á làm rất tốt việc này: vừa hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nhưng vẫn bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch tốt là Singapore, Seoul và Tokyo, ông Christopher Lewis Malone góp ý thêm.
GS TSKH Lê Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, trong các đột phá thì hạ tầng giao thông là quan trọng nhất, cần chú trọng phát triển giao thông công cộng, song song với đó, cần tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức và ý thức về sử dụng giao thông công cộng. 
Nhiều đại biểu cũng đồng tình cho rằng, phát triển giao thông kết nối là khâu đột phá trong quy hoạch Thủ đô. Cùng với đó, nguồn lực để thực hiện quy hoạch là vô cùng quan trọng. Nếu chỉ dùng nguồn ngân sách thì chưa đủ, nguồn lực lớn nằm ở xã hội, cần phải huy động nguồn lực này vào cuộc. Hà Nội cần tạo ra mô hình đô thị trong đô thị có sức lan tỏa đặc biệt, có khả năng thu hút đầu tư chất lượng cao, từ đó lấy mô hình đô thị nuôi đô thị. Tuy nhiên, việc hình thành thành phố trực thuộc Thủ đô cần phải có cơ chế đặc thù mới có thể phát huy được, thậm chí số chính sách đặc thù phải tăng thêm tương đương hoặc hơn so với mô hình thành phố Thủ Đức trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tiếp thu ý kiến tại Hội thảo
Phát biểu tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cảm ơn Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các cơ quan liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng quy hoạch được trọng tâm, trọng điểm, bám sát các Nghị quyết của Trung ương. UBND thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp thu hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch, theo hướng dẫn của bộ ngành Trung ương triển khai đầy đủ, đúng quy trình thủ tục trình Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Cùng chuyên mục
Tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050