Thành quả của sự chuẩn bịchu đáo, phối hợp hiệu quả
Tham dự và chủ trì Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội ASOSAI 14 - đã đánh giá cao những nỗ lực của KTNN trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14, đặc biệt là những kết quả mà Đại hội đã đạt được. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao sự phối hợp tích cực, chủ động của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Đại hội ASOSAI 14 là một trong ba sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam năm 2018. Một trong những yếu tố quyết định thành công của Đại hội là sự chủ động, tích cực chuẩn bị chu đáo và công phu của KTNN Việt Nam.
Với vai trò là Trưởng Ban Tổ chức Đại hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đúc kết: “Tạo nên thành công của Đại hội ASOSAI 14 là sự nỗ lực trong cả quá trình dài của hàng nghìn con người với sự kết nối, hỗ trợ hết sức nhịp nhàng”. Vì vậy, tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đồng thời cảm ơn các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí đã phối hợp với KTNN tổ chức Đại hội thành công tốt đẹp.
Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của những kết quả mà Đại hội ASOSAI 14 đã đạt được, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, Đại hội ASOSAI 14 đánh dấu một bước phát triển trong công tác chuyên môn, đối ngoại, cũng như nâng cao vị thế, uy tín của KTNN trên trường quốc tế.
Hơn nữa, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thành công của sự kiện có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực kiểm toán công lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với KTNN mà còn là một dấu mốc thành công về mặt chính trị và ngoại giao của Việt Nam.
Tiếp sau thành công của Đại hội sẽ còn rất nhiều nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện. Vì vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cam kết: Trên cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN sẽ thực thi hiệu quả Tuyên bố Hà Nội, cũng như Kế hoạch chiến lược của ASOSAI và đặc biệt là sẽ tập trung nâng cao năng lực của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên. KTNN cũng sẽ tích cực tuyên truyền về đất nước, con người Việt Nam, cũng như các chính sách thu hút đầu tư để tăng cường thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra các nước.
Ba nhiệm vụ trọng tâmcủa KTNN trong vai tròChủ tịch ASOSAI
Báo cáo tóm tắt công tác tổ chức Đại hội ASOSAI 14, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng nêu rõ, thành công của Đại hội ASOSAI 14 là sự khởi đầu thuận lợi và làm tiền đề cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASOSAI 2018-2021 của KTNN Việt Nam.
Đại hội ASOSAI 14 đã diễn ra từ ngày 19 - 22/9/2018 với sự tham gia của 250 đại biểu đến từ 46 SAI thành viên, các tổ chức quốc tế và quan sát viên với chuỗi sự kiện chính thức: Lễ Khai mạc Đại hội và Kỷ niệm 40 năm Hiến chương ASOSAI; Phiên họp toàn thể lần thứ nhất; Hoạt động chào xã giao Chủ tịch nước và thăm KTNN; Hội nghị chuyên đề lần thứ 7; Phiên họp toàn thể lần thứ hai; Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 52, 53...
Tại các phiên họp toàn thể, Đại hội đã thống nhất bầu thêm 5 SAI thành viên Ban Điều hành bên cạnh 7 thành viên mặc nhiên và bầu 2 thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI và Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.
Đặc biệt, Hội nghị Chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo thành viên ASOSAI, giới chuyên môn trong nước và quốc tế. Những nội dung trình bày và thảo luận tại Hội nghị là nguồn tư liệu có giá trị cho tất cả các SAI tham khảo trong quá trình thực hiện kiểm toán môi trường nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Đáng chú ý, Phiên họp toàn thể lần thứ hai đã thông qua Tuyên bố Hà Nội - văn kiện chính thức của Đại hội. Theo đó, Tuyên bố đề ra các hành động thiết thực để cụ thể hóa các cam kết như: thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong cộng đồng ASOSAI, phát triển năng lực các SAI thành viên trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu, tôn trọng những nguyên tắc chung trong việc INTOSAI (Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao) có thể đóng góp vào chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 về vấn đề phát triển bền vững; tăng trưởng kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thành công của Đại hội ASOSAI là sự khởi đầu thuận lợi và làm tiền đề cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASOSAI 2018-2021 của KTNN. Thực hiện trọng trách này, KTNN đang tập trung vào 3 nhiệm vụ.
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch công tác nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ Chủ tịch ASOSAI; cơ chế phối hợp với Ban Thư ký ASOSAI và với các thành viên Ban Điều hành ASOSAI.
Thứ hai, hiện thực hóa các ưu tiên của Tuyên bố Hà Nội, khẳng định vai trò của Tổ chức ASOSAI trong việc giải quyết các vấn đề môi trường và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
Thứ ba, tạo cơ hội để thúc đẩy chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, mở rộng các mối quan hệ giữa ASOSAI với các tổ chức kiểm toán tối cao khu vực và thế giới, giữa KTNN Việt Nam với KTNN các quốc gia khác.
Ghi nhận những đóng góp tích cực, xuất sắc, góp phần vào thành công của Đại hội ASOSAI 14, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã tặng Bằng khen cho 30 tập thể, 47 cá nhân và tặng Giấy khen cho 11 tập thể, 67 cá nhân của KTNN và các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí... |
NHÓM PHÓNG VIÊN
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 25-10-2018