Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền
Với việc hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu phát triển được Quốc hội thông qua: tăng trưởng cao, lạm phát và bội chi thấp, giá trị đồng nội tệ được giữ ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài được duy trì, an ninh xã hội được giữ vững v.v… kinh tế Việt Nam được đánh giá là có thành công lớn trong năm 2015. Có thể nói, trong mọi thành công của một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, chính sách tiền tệ như một công cụ điều tiết vĩ mô chủ chốt luôn có đóng góp lớn. Trong năm 2015, chính sách tiền tệ đã để lại dấu ấn tích cực trong diễn biến thị trường. Nổi bật nhất là các giải pháp ngăn ngừa ảnh hưởng xấu của thị trường ngoại hối đến hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư. Sự ổn định tương đối và điều chỉnh kịp thời tỷ giá hối đoái VND/USD đã ngăn được tình trạng lũng đoạn tỷ giá cũng như găm giữ đồng USD. Động tác đưa lãi suất tiền gửi USD về 0% từ cuối tháng 12 và tuyên bố mới đây của Thống đốc NHNN về khả năng áp dụng lãi suất âm đối với tiền gửi bằng USD là một bước đi mạnh mẽ giúp chấm dứt tình trạng đô la hóa nền kinh tế tồn tại bao năm qua.
Bước sang năm 2016, Việt Nam cũng gặp những thách thức không nhỏ. Với việc ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã tham gia sâu hơn so với nhiều nước trong khu vực. Đó là một thách thức lớn vì so với nhiều nước, độ mở của nền kinh tế nước ta chưa bằng, còn ở “chiếu dưới” theo cách nói dân dã. Quá trình hội nhập thành công hai chục năm qua cho phép đặt lòng tin vào quyết định tham gia TPP lần này. Tuy nhiên, bước “nhảy” lần này đòi hỏi nhiều sức hơn do những cam kết ở tầm cao. Con số 40% DN chưa biết gì về TPP cho đến thời điểm này không khỏi làm nhiều chuyên gia lo ngại. Đó là chưa kể qui mô DN của nước ta lại quá nhỏ bé (Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tỷ lệ người buôn bán nhỏ). Nút thắt lớn nhất trên con đường hội nhập cho đến nay vẫn là thủ tục hành chính. Với việc tham gia TPP, nút thắt này sẽ còn đáng sợ hơn. Bởi vì suốt những năm qua, thất bại trong thi hành các đạo luật khuyến khích đầu tư, khuyến khích DN dân doanh, khuyến khích DN vừa và nhỏ v.v… đều bắt nguồn từ những “giấy phép mẹ”, “giấy phép con” và những luật lệ bất thành văn do các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp đặt ra mặc dù luật đã ngày càng minh bạch. Hiệu lực của các quyết định hành chính quá thấp do tham nhũng lộng hành, do lợi ích nhóm không bị ngăn chặn sẽ làm khó cho DN trong quá trình hội nhập.
Thách thức tuy nhiều nhưng với sức sống kỳ diệu của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là khát vọng vươn lên của đội ngũ doanh nhân, động lực mạnh mẽ nhất của hội nhập, tin rằng tiến trình hội nhập sẽ vượt qua tất cả để đi tới thành công .