Toàn cảnh Hội thảo
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, có 4 điểm mạnh nổi lên là vĩ mô tương đối ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; chi phí lao động còn thấp; địa chính trị định hướng thương mại thuận lợi; có một số lợi thế cạnh tranh. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có tới 6 điểm yếu cần khắc phục, đó là sử dụng lãng phí tài sản; tài nguyên thiên nhiên khai thác kém hiệu quả; lao động chưa toàn năng; cơ hội đầu tư phát triển bị đè nén; sáng tạo, sáng kiến đang bị kìm hãm; năng suất lao động thấp.
Báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế 2011-2015 của CIEM đã phân tích, đánh giá rằng, những chính sách của Nhà nước ban hành thời gian qua nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đã đạt được những kết quả khá tích cực. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là kinh tế vĩ mô, tiền tệ được giữ vững, chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao; Môi trường kinh doanh có sự cải thiện; Tăng trưởng kinh tế phục hồi và hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể… Tuy nhiên, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư. Tốc độ cổ phần hóa còn chậm,
những ưu đãi cho DNNN vẫn đang là những yếu tố làm méo mó thị trường. Quá trình xử lý nợ xấu kéo dài và cơ chế xử lý nợ xấu thiếu minh bạch. Các yếu tố thúc đẩy nợ công tăng đang hiện hữu và tái cơ cấu vùng, ngành chưa đi vào thực chất, chưa tuân thủ các nguyên tắc thị trường trong liên kết vùng.
Từ đó, TS. Nguyễn Đình Cung đã chỉ ra những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt bởi sự trì trệ và lạc hậu trong quản lý Nhà nước, mức độ hài lòng của dân chúng giảm dần. Hơn nữa, nguy cơ phụ thuộc vào bên ngoài ngày càng lớn, áp lực hội nhập dễ dẫn tới nguy cơ bị đẩy ra bên lề.
Nhấn mạnh vì sao phải tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, TS. Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng, tăng trưởng chậm, nợ công tăng, nguồn lực Nhà nước ngày càng hạn chế, kết cấu hạ tầng tụt hậu, năng suất lao động tăng thấp đang đe dọa tính ổn định của nền kinh tế. Ông Nguyễn Tú Anh dẫn chứng: Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5%/năm thì đến năm 2035, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 75% GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện nay và bằng 83% GDP bình quân đầu người của Thái Lan hiện nay. Như vậy, có nguy cơ Việt Nam sẽ tụt hậu rất xa so với các nước trong khu vực nếu không có những giải pháp mạnh để khắc phục những hạn chế, thách thức nêu trên.
Cần làm gì trong giai đoạn 2016-2020?
Với vai trò Cố vấn cao cấp Dự án hỗ trợ Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV), ông Raymond Mallon nhận xét: Một trong những yếu tố quan trọng để tái cơ cấu thành công là phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng đến phát triển đồng đều. Đặc biệt, Việt Nam cần tập trung xây dựng một thể chế kinh tế cạnh tranh và công bằng. Với lĩnh vực DNNN thì phải có mục tiêu cụ thể và các cơ chế đảm bảo đến năm 2020 đạt được kết quả gì? Tăng hiệu quả đầu tư công phải đạt kết quả như thế nào trong từng lĩnh vực?
Bình luận riêng về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ông Nguyễn Xuân Thành - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, việc Chính phủ duy trì mức thâm hụt ngân sách trong giai đoạn tới như hiện nay sẽ làm cho tỷ lệ nợ công/GDP tăng tới mức không bền vững. Về điều hành chính sách tiền tệ, tuy tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 nhưng vốn không đi vào các hoạt động sản xuất là một quan ngại. Trong 9 tháng năm 2015, tổng dư nợ cho nền kinh tế tăng 12,1%, nhưng phần tín dụng cho công nghiệp chỉ tăng 6,7%; xây dựng tăng 14,3%, trong khi tiêu dùng cá nhân và bất động sản tăng tới 18,7%.
Ông Nguyễn Tú Anh nhận định, những vấn đề cốt lõi của thể chế kinh tế vẫn chưa được chạm đến, như tình trạng phân tán quyền lực tại các cơ quan Nhà nước, thiếu sự phối hợp và thiếu người chịu trách nhiệm. Tư duy ưu đãi DNNN vẫn là chủ đạo, phân bổ nguồn lực đầu tư công vẫn chủ yếu do Nhà nước mà chưa sử dụng cơ chế thị trường. Hệ thống ngân hàng thương mại bộc lộ nhiều lỗ hổng.
Từ những thực tế trên, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh thêm: Mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 cần ưu tiên tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân; khuyến khích DN vừa và lớn tạo liên kết cụm, liên kết vùng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư, đổi mới thể chế quản lý kinh tế, trong đó cần tạo điều kiện tối đa cho DN tư nhân và DN nước ngoài phát triển; đổi mới quản lý đầu tư công, cải cách chức năng chủ sở hữu, quản lý của Nhà nước tại DN...
Bài và ảnh:HỒNG THOAN