Thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp vượt trội, có ý nghĩa chiến lược

(BKTO) - Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

202405301431390979_z5490907636454_c4cb65cddec9152673911d4623c4f518.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận là quy định về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến đề nghị hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh để tập trung huy động nguồn lực, có cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao, đồng thời quy định bảo đảm chặt chẽ, khả thi. Ngược lại, cũng có ý kiến khác đề nghị không quy định về Quỹ này để phù hợp với chủ trương hạn chế hình thành các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Về vấn đề này, trên cơ sở ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến 2 phương án: Phương án 1 là xây dựng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh; Phương án 2, không quy định về Quỹ này.

Sau khi xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đoàn đại biểu, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan, đa số ý kiến tán thành quy định về xây dựng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

202405301628294842_z5491084712583_e1dc9ec95a3edad1fb4a57a962a24640.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều có các quỹ tài chính phục vụ cho lĩnh vực này” - ông Lê Tấn Tới nói.

Đồng thời, để bảo đảm tránh chồng lấn nhiệm vụ chi, tại khoản 1 Điều 22 đã quy định Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh chỉ nhằm mục đích hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt, có tính mới, rủi ro cao. Đây là những nhiệm vụ mà ngân sách nhà nước chưa kịp bố trí hoặc bố trí nhưng chưa đủ.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, quy định cụ thể nội dung về mục đích của Quỹ, nguồn hình thành, nguyên tắc hoạt động của Quỹ và giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ, hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh như Điều 22 Dự thảo Luật.

Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) bày tỏ nhất trí cao khi Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã quy định nội dung cơ bản nhất về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh. “Việc quy định Quỹ này như Điều 22 Dự thảo là hoàn toàn cần thiết, có đủ cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn, nhất là để thể chế hóa chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị tại Kết luận số 75 ngày 24/4/2024” - đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nói.

202405301628295311_z5491250672922_f308691cefbd21a809a773eff12f13be.jpg
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn TP. Hà Nội), cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều thành lập quỹ tài chính để phục vụ cho lĩnh vực này. Việc huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhằm xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước.

“Hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp cơ chế đặc thù vượt trội và có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị có ý nghĩa chiến lược” - đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cũng cho rằng, chi phí để thực hiện nhiệm vụ mà Luật giao cho công nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ rất lớn, cần huy động nhiều nguồn lực để đáp ứng số kinh phí này như từ ngân sách nhà nước, từ nguồn thu của doanh nghiệp, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Vì thế, những quy định về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh như Dự thảo Luật sẽ giải quyết được yêu cầu này.

Chia sẻ thêm về vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, việc thành lập Quỹ quốc phòng, an ninh là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh mà các sản phẩm này có tính mới và cũng có tính rủi ro rất cao.

“Nếu chúng ta sử dụng ngân sách theo quy trình của sử dụng ngân sách nhà nước thì cũng có những trường hợp không đáp ứng được tính thời sự của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và độ bảo mật cũng hạn chế hơn rất nhiều. Học tập ở các nước phát triển công nghiệp trên thế giới, người ta đều có quỹ này” - Bộ trưởng Phan Văn Giang thông tin.

Cùng chuyên mục
Thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp vượt trội, có ý nghĩa chiến lược