Thành lập thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và thị trấn Hậu Hiền, tỉnh Thanh Hóa

(BKTO) - Sáng 13/12, ngay sau khai mạc Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tham dự phiên họp.

bt-tra28.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Bắc Giang có 3.895,9 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 2.004.332 người; có 10 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện; 209 ĐVHC cấp xã. Huyện Việt Yên có 171,01 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 229.162 người; có 17 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 02 thị trấn và 15 xã).

Tỉnh đề nghị thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên; đồng thời thành lập 09 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 07 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) thuộc huyện Việt Yên.

Kết quả sau khi thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc; thị xã Việt Yên không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 17 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 09 phường và 08 xã); 09 phường thuộc thị xã sau khi thành lập không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và 09 phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đối với việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Việt Yên, Chính phủ sẽ trình UBTVQH xem xét, quyết định trong Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025.

Về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hoá và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, tỉnh Thanh Hóa đề nghị: nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa; thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng 10,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm (đổi tên Minh Tâm thành Hậu Hiền).

Kết quả sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền, tỉnh Thanh Hoá không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 558 ĐVHC cấp xã (giảm 01 ĐVHC cấp xã); huyện Thiệu Hóa không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 24 ĐVHC cấp xã trực thuộc, gồm 22 xã và 02 thị trấn, giảm 01 ĐVHC cấp xã (giảm 02 xã, tăng 01 thị trấn); thị trấn Thiệu Hóa mới có 17,21 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 28.352 người; thị trấn Hậu Hiền sau khi thành lập và đổi tên không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, hồ sơ Đề án đã bảo đảm các nội dung theo quy định và UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung công việc cụ thể sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa.

Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền (trên cơ sở nguyên trạng xã Minh Tâm) thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Thay mặt Cơ quan thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, với các lý do như đã thể hiện tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

bq28.jpg
Các Ủy viên UBTVQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập các ĐVHC theo đề nghị của Chính phủ. Ảnh:VPQH

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa theo các Tờ trình của Chính phủ đều phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Về thời điểm có hiệu lực của 02 Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của các nghị quyết là ngày 01/02/2024 để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của ĐVHC mới được thành lập.

Qua thảo luận, 100% Ủy viên UBTVQH tham dự đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về các nội dung Chính phủ trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị UBTVQH giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội và Bộ Nội vụ rà soát Thông báo gửi Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để yêu cầu khẩn trương phối hợp thực hiện đúng quy định của Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của UBTVQH, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ trong việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023- 2025 đảm bảo những vấn đề như yêu cầu đặt ra./.

Cùng chuyên mục
Thành lập thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và thị trấn Hậu Hiền, tỉnh Thanh Hóa