Nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ tiếp tục quyết liệt hơn trong công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân…

Sáng 11/10, ngay sau khai mạc Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023.

ong-binh.jpg
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Cử tri lo lắng về tình trạng mưa lũ, bắt cóc trẻ em

Báo cáo tại Phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 9/2023, cử tri và nhân dân quan tâm đến kết quả Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; những nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhất là việc Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua những dự án luật có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật BHXH (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ… Cử tri kỳ vọng Quốc hội có những quyết sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

Cử tri và nhân dân cũng vui mừng và phấn khởi trước tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mưa lũ tại một số địa phương gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền gây bức xúc, hoang mang trong xã hội trong thời gian gần đây; tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác nhân đạo, từ thiện để trục lợi; tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần tiếp tục gia tăng; tình trạng công nhân ngừng việc tập thể vẫn còn tiếp diễn...

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 9/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 8/2023. Tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 374 lượt với 756 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 370 vụ việc và có 19 đoàn khiếu kiện đông người. So với tháng 8/2023, tăng 32 lượt công dân và 31 vụ việc.

Tạo chuyển biến trong giải quyết kiến nghị cử tri

Bên cạnh đó, qua giám sát, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri cần được các cơ quan có giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định; việc giải quyết, trả lời của cử tri của một số Bộ, ngành chưa đảm bảo thời hạn; việc xây dựng trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ ngành còn chậm...

Về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.474 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 89,5%.

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh cần có giải pháp, lộ trình rõ ràng đối với vấn đề giải quyết đơn thư và chất lượng giải quyết đơn thư, tạo chuyển biến trong giải quyết kiến nghị của người dân.

“Một số quy trình giải quyết đơn thư, khiếu kiện còn kéo dài, nên người dân phải chờ đợi lâu, dẫn tới tâm lý thiếu tin tưởng vào trách nhiệm và thẩm quyền, tính nghiêm minh của pháp luật” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chỉ rõ.

ba-lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế, chia sẻ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc trả lời kiến nghị của cử tri là công tác rất quan trọng mà Bộ chú trọng, tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, có một số nội dung kiến nghị trả lời chậm hơn so với yêu cầu bởi cần có thời gian để các cơ quan chuyên môn tổng hợp thông tin. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiêm túc khắc phục, đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị cử tri đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Đối với lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo báo cáo của Ban Dân nguyện, có 117/263 ý kiến của cử tri nhưng Bộ và cơ quan liên quan trả lời chậm. Trong đó các ý kiến chủ yếu là giải quyết chính sách về hưu trí, chính sách lao động, chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo ông Hồi, nguyên nhân chậm trả lời kiến nghị của cử tri là do chính sách hỗ trợ đối với người dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mức hỗ trợ nhỏ, thấp, nhưng liên quan đến quyết định về cách ly, khu vực cách ly không rõ nên quá trình trả lời các chính sách này mất nhiều thời gian.

“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm trong quá trình đôn đốc triển khai các cơ quan đơn vị trả lời và tiếp tục trả lời nhanh hơn, khoa học, hợp lý hơn”- ông Hồi cho biết.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến để nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện các Nghị quyết có liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị cử tri, tiếp xúc cử tri… Đồng thời, đề nghị các cơ quan của Chính phủ tiếp tục quyết liệt hơn trong công tác giải quyết đơn thư khiếu, nại tố cáo của công dân…

Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri