Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò đầu tàu của cả nước

(BKTO) - Sáng 23/9, Đoàn công tác của Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.



                
   

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn công tác của Trung ương Đảng thăm và làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Ảnh:TTXVN

   

Theo báo cáo của Thành ủy tại buổi làm việc, năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, Thành phố chịu sự ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt những kết quả quan trọng, góp phần kiểm soát dịch bệnh, đưa Thành phố trở lại với trạng thái "bình thường mới", từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các hoạt động xây dựng Đảng theo Nghị quyết đề ra.

9 tháng năm 2022, kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, từ mức tăng trưởng âm 6,78% vào năm 2021, TP. Hồ Chí Minh đã đạt mức tăng trưởng dương 3,82% vào 6 tháng đầu năm 2022 và dự kiến 9 tháng sẽ đạt 9,71%.

Quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch. Tổng thu ngân sách 9 tháng năm 2022 đạt trên 90%, tương đương 350.000 tỷ đồng. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tăng trưởng khá, thương mại - dịch vụ - du lịch phục hồi mạnh mẽ; thu hút FDI đạt 2,91 tỷ USD….

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và kết quả, thành tích mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian vừa qua; đồng thời, chia sẻ với nhân dân TP. Hồ Chí Minh và đồng bào Nam Bộ về những mất mát, thiệt hại to lớn, chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra.
                
   

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TP. Hồ Chí Minh cần được tạo điều kiện tốt nhất có thể để phát triển nhanh và bền vững hơn. Ảnh:TTXVN

   

Về phương hướng, nhiệm vụ của TP. Hồ Chí Minh thời gian tới, Tổng Bí thư nêu rõ, phải nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thành phố trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và phát triển vùng Đông Nam Bộ nói riêng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hơn nữa việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đồng thời tăng cường, nâng cao năng lực và chất lượng công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước sát hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của Thành phố.

Cùng với đó, ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

Chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, tạo sự kết nối thông suốt để phát huy tối đa các tiềm lực kinh tế của cả vùng và Thành phố.

Thành phố sớm khắc phục tình trạng yếu kém về hạ tầng giao thông hiện nay, có các giải pháp căn cơ hơn nữa để xử lý các vấn đề về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cấp nước, thoát nước, chống úng ngập; xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng…

Để TP. Hồ Chí Minh thực sự là Thành phố nghĩa tình, nhân ái, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Tổng Bí thư nêu rõ, Thành phố cần tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý.

Phát triển mạnh khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, làm nền tảng thúc đẩy Thành phố phát triển nhanh và bền vững. Thành phố cần củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế; coi trọng phát triển y tế dự phòng, giải quyết căn bản tình trạng "quá tải" các bệnh viện. Đặc biệt, phải động viên, chăm lo mọi mặt để đội ngũ cán bộ y, bác sỹ yên tâm công tác, chăm lo phục vụ ngày càng tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xóa bỏ cho bằng được các thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, tội phạm; giảm tai nạn giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn cho nhân dân.

Tổng Bí thư yêu cầu, phải thường xuyên quan tâm chăm lo công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân...

Đánh giá cao việc TP. Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù, Tổng Bí thư lưu ý phải rất chú ý đi đôi kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm.

Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ "then chốt", bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác.

Liên quan đến các kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với Thành phố để giải quyết với tinh thần "TP. Hồ Chí Minh vì cả nước" và "cả nước vì TP. Hồ Chí Minh"; tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững hơn.

Tổng Bí thư tin tưởng thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, quyết tâm đổi mới, nỗ lực phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước./.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò đầu tàu của cả nước