Thành phố Hồ Chí Minh: Giải quyết kiến nghị tại các dự án bất động sản

(BKTO) - TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án bất động sản; trong đó, Thành phố tập trung triển khai nhiều giải pháp tháo nút thắt vướng mắc về mặt pháp lý.

l_can-ho-chung-cu-_de-la-sol_screenshot-2024-01-22-152626.png
Chung cư De La Sol, quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh sưu tầm

Trong hơn 2 năm qua, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết 189 kiến nghị tại 148 dự án đang gặp vướng mắc và ban hành 8 thông báo kết luận chỉ đạo.

Trong đó, Thành phố đồng ý cho chủ trương bán 50% sản phẩm căn hộ tại Dự án chung cư Shizen Home của chủ đầu tư Gotec Land tại quận 7; Dự án Celadon City của chủ đầu tư Gamuda Land tại quận Tân Phú; Dự án The Metropole của chủ đầu tư Quốc Lộc Phát tại TP. Thủ Đức; tháo gỡ vướng mắc về điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Dự án chung cư Metro Star của chủ đầu tư là CT Group ở TP. Thủ Đức.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tại Dự án căn hộ De La Sol (quận 4, TP. Hồ Chí Minh) do Công ty CapitalLand Development làm chủ đầu tư, cư dân của chung cư này hồ hởi mua sắm nội thất để về ở trong căn nhà mới, kịp đón Tết cổ truyền. Dự án chung cư này có gần 900 căn hộ, sau 4 năm thi công đã hoàn tất, việc bàn giao cho khách hàng được tiến hành từ cuối năm 2023. De La Sol là 1 trong 7 dự án được Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ưu tiên gỡ vướng khó khăn ngay từ đầu năm 2023 và là dự án đã được Thành phố tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp thành công.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ Dự án chung cư 100 Cô Giang (tên thương mại The Grand Manhattan) và Dự án 32ha Bình Khánh (tên thương mại The Water Bay) tháo gỡ vướng mắc từ đầu năm 2023; hiện đang chờ kết luận từ lãnh đạo Thành phố nhằm tháo gỡ những khó khăn pháp lý cuối cùng.

Tập đoàn Hưng Thịnh được tháo gỡ pháp lý cho 6 dự án, gồm Moonlight Park View - phần thương mại còn lại (quận Bình Tân), Moonlight Boulevard (quận Bình Tân), 9 View Apartment (TP. Thủ Đức), 8X Đầm Sen (quận Tân Phú), Đất Phương Nam (tên thương mại Moonlight Avenue, ở TP. Thủ Đức), Vĩnh Tiến (tên thương mại Moonlight Centre Point, ở quận Bình Tân).

Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường bất động sản Thành phố tiếp tục bị lệch pha cung - cầu. Việc thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở. Từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70% - 80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân và nhà ở xã hội. Từ năm 2017 đến nay, giá nhà tăng liên tục và vẫn “neo cao”, vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ thuộc lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư. Hiện giá căn hộ bình dân từ 2-3 tỷ đồng/căn, để mua được nhà, người có thu nhập trung bình thấp cần tiết kiệm tiền trong khoảng 25 năm.

Để thúc đẩy thị trường bất động sản, thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại; gỡ vướng quy định về “đất ở” hoặc “đất ở và đất khác”; giải quyết thủ tục định giá đất cụ thể, thẩm định giá đất, quyết định giá đất; ban hành các quy định chuyển nhượng dự án, xử lý phần diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh: Giải quyết kiến nghị tại các dự án bất động sản