Hiện nay, hoạt động kinh doanh xăng dầu được điều chỉnh theo 3 nghị định và các văn bản khác có liên quan nhưng vẫn chưa đầy đủ, còn tồn tại một số hạn chế trong cơ chế, chính sách về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, đối với thời gian điều hành giá xăng dầu, Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm 3 khoản 27 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về thời gian điều hành giá xăng dầu quy định thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hằng tuần. Trường hợp thời gian điều hành giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên đán), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để bảo đảm giá xăng dầu bám sát diễn biến thị trường thế giới, tránh ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, việc điều hành giá xăng dầu cần thực hiện xuyên suốt, cả những ngày nghỉ lễ, Tết Nguyên đán. Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất tại dự thảo nghị định mới vẫn thực hiện điều hành giá xăng dầu trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán (nếu thời gian điều hành giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán).
Với quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc ban hành quy định về giờ bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Công Thương quy định cụ thể việc ban hành giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy định thông báo trước khi dừng bán hàng phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan về thủ tục hành chính và công tác cải cách thủ tục hành chính.
Văn bản góp ý của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ được Bộ Công Thương tổng hợp, triển khai xây dựng nghị định về kinh doanh xăng dầu và báo cáo Chính phủ./.