Ba bước đi để bình thường hóa thị trường vàng

(BKTO) - Xóa việc độc quyền thương hiệu vàng miếng của SJC, thí điểm sàn giao dịch vàng liên thông quốc tế, hoàn thiện hành lang pháp lý để vàng trở thành hàng hóa bình thường là ba bước đi cần thiết để dần bình thường hóa thị trường vàng. Đây là các đề xuất của chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về câu chuyện thay đổi cách thức quản lý thị trường vàng.

Ba bước đi để bình thường hóa thị trường vàng
Ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, cần thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng. Ảnh: TL

PV: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP thị trường vàng đang bộc lộ nhiều bất cập cần được khắc phục. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cách quản lý thị trường vàng. Ông nghĩ sao về điều này?

Ba bước đi để bình thường hóa thị trường vàng
Ông Phạm Xuân Hòe

Ông Phạm Xuân Hòe: Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24), về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời giúp ổn định thị trường vàng vốn nhiều lộn xộn thời điểm đó. Còn về nguyên tắc trên thế giới không có ngân hàng trung ương nào quản lý thị trường vàng cả. Ngân hàng trung ương chỉ quản lý vàng ngoại hối, tức là vàng mà khi xuất nhập khẩu qua biên giới tạo ra sự chuyển dịch dòng tiền của quốc gia, ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ. Còn lại vàng dưới dạng hàng hóa thì ngân hàng trung ương không quản lý.

Trước đây, tôi đã đề nghị sau khi đã bình ổn được thị trường vàng, tốt nhất là nên trả lại cho Bộ Công thương quản lý thị trường vàng để phát triển bình thường. Ngân hàng trung ương chỉ quản lý vàng dưới dạng ngoại hối, tức là vàng dự trữ của quốc gia, vàng trong kho của Ngân hàng Nhà nước và vàng đóng khối xuất nhập khẩu qua biên giới. Bởi vàng ngoại hối liên quan đến tiền tệ, tỷ giá, còn vàng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất ra vàng hàng hóa thì hoàn toàn có thể cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu bình thường, không cần ai độc quyền.

PV: Để thị trường vàng được phát triển như một thị trường bình thường thì theo ông đâu là những vấn đề mấu chốt?

Ông Phạm Xuân Hòe: Để trả vàng trở lại như một loại hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt, thì tốt nhất là để cho nó trở thành một thị trường liên thông với bên ngoài. Hay nói cách khác là mình cần phải có những sàn giao dịch vàng bình thường, kết nối liên thông với thị trường quốc tế.

Trước mắt, nếu khả năng quản lý chúng ta chưa làm kỹ được thì có thể thí điểm cho phép một cho đến hai sàn vàng hoạt động, với khung khổ quy định cụ thể. Chẳng hạn như giao dịch thế nào, tiêu chuẩn người tham gia, ký quỹ, đầu tư ra sao…?

Xây dựng khung khổ pháp lý cho sàn giao dịch vàng
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh mới phải thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng. Theo đó, cần nghiên cứu để đưa thị trường vàng trở thành bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, để từ quản lý thị trường minh bạch, hiệu quả và đưa được nguồn lực lớn vào phát triển kinh tế.
GS.TS Trần Thọ Đạt gợi ý, có thể tham khảo kinh nghiệm các nước để cho phép đưa vàng vào giao dịch kỳ hạn trên sàn như các hàng hóa khác, với điều kiện các thành viên tham gia có đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp. Đồng thời có thể thành lập quỹ tín thác ETF vàng, để người dân có nhu cầu đầu tư có thể tham gia mà không cần tích trữ vàng vật chất. Tất nhiên, việc cho phép mở sàn giao dịch vàng kỳ hạn, phát hành chứng chỉ về vàng… đòi hỏi phải có khung khổ pháp lý phù hợp, minh bạch.

Nếu có sự kết nối liên thông với thị trường quốc tế thì sẽ tránh được việc giá cả bị thổi phồng, méo mó. Độc quyền thì sẽ dẫn đến thổi giá và chỉ mang lại lợi ích cho những nhóm độc quyền. Điều này rất không tốt và lại càng tạo thêm tâm lý muốn tích trữ vàng của người dân do thấy giá vàng cứ giữ ở đỉnh cao, người ta lại càng muốn đầu cơ kiếm lời.

Như thế, khi giải quyết được việc chấm dứt độc quyền vàng và liên thông thị trường quốc tế thì sẽ quay trở về là một thị trường vàng bình thường. Việc này còn hạn chế được những ảnh hưởng của tình trạng nhập lậu vàng qua biên giới, hạn chế việc chảy máu ngoại tệ. Thời gian qua, đã có nhiều vụ bắt giữ vàng buôn lậu qua biên giới cho thấy một khi thị trường vàng còn độc quyền, chênh lệch trong và ngoài nước còn lớn thì hiện tượng buôn lậu vẫn còn tiếp diễn.

Nói tóm lại, tôi cho rằng phải sửa triệt để Nghị định 24. Vai trò lịch sử của nó đã kết thúc.

PV: Việc bình thường hóa thị trường vàng được nhiều chuyên gia đồng tình, nhưng nên có bước đi, lộ trình thế nào để tránh những hệ lụy sau một thời gian dài quản lý đặc biệt như vậy, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hòe: Như tôi đã nói ở trên, bước đi đầu tiên là cần xóa thương hiệu vàng độc quyền nhà nước của SJC. Bước đi thứ hai là thí điểm có sàn giao dịch vàng liên thông quốc tế. Bước đi thứ ba là hoàn thiện toàn bộ hành lang pháp lý cho giao dịch vàng của thị trường vàng bình thường và đặc biệt là các sàn vàng liên thông quốc tế.

Bước ba được tiến hành sau khi đã cho thí điểm ở bước hai, thấy đã bình thường, đạt hiệu quả rồi thì hoàn thiện lại một lần nữa về hành lang pháp lý để cho vàng được giao dịch bình thường.

Cuối cùng, theo quan điểm của tôi là việc quản lý giao dịch của thị trường vàng chuyển cho Bộ Công thương quản lý, bởi nó đã trở thành hàng hóa bình thường. Ngân hàng Nhà nước quay trở về với sứ mệnh của mình là điều hành tiền tệ và chỉ quản lý vàng dưới dạng ngoại hối để bảo đảm tập trung cho mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.

PV: Vậy còn với những người đang giữ vàng SJC, khi xóa thương hiệu độc quyền thì họ sẽ phải chịu ảnh hưởng đáng kể?

Ông Phạm Xuân Hòe: Tôi cho rằng đây là điều phải chấp nhận. Họ giữ vàng đầu cơ để kiếm lời, nếu giá vàng trở về bình thường, họ thua thiệt thì cũng không khác gì những người đầu cơ đất trong những giai đoạn vừa qua. Khi sốt nóng người người mua đất, thậm chí vay tiền để ôm đất. Đến khi thị trường đóng băng, giảm giá thì phải chấp nhận thiệt hại, mà thiệt hại này còn lớn hơn của người giữ vàng. Đó là quy luật bình thường của thị trường: có được, có mất.

Cần để thị trường hoạt động đúng nguyên tắc thị trường, càng kéo dài hành chính hóa càng gây ra nhiều phức tạp, như tình trạng để SJC độc quyền quá lâu, khiến giá cao hơn các loại vàng miếng khác cả chục triệu đồng/lượng, làm méo mó thị trường. khi tạo nên cầu giả, thúc đẩy đầu cơ…

PV: Xin cảm ơn ông!

Đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý I/2024
Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành ngay trong quý I/2024.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đánh giá và xem xét lại thị trường vàng. Trong đó, ngày 27/12/2023, Thủ tướng đã ký Công điện số 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Công điện đã đưa ra một số biện pháp, chỉ đạo mang tính chất rất căn cơ và rất kịp thời để ổn định và phát triển thị trường vàng theo phương châm thị trường vàng phải an toàn, lành mạnh, phát triển hiệu quả và bền vững. Công điện cũng lưu ý chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC là quá cao.
Cùng chuyên mục
Ba bước đi để bình thường hóa thị trường vàng