Thành phố Hồ Chí Minh: Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 12% trong quý I

(BKTO) - Để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt từ 95% trở lên, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong quý I/2024, giải ngân không thấp hơn 12%.

tphcm_24_5_2023_dau-tu-cong-trinh-gt.jpg
TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong quý I/2024 giải ngân vốn đầu tư công không thấp hơn 12%. Ảnh sưu tầm

Theo kế hoạch, năm 2024, vốn đầu tư công được giao cho Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh 79.263 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 3.686 tỷ đồng.

Riêng nguồn vốn ngân sách Trung ương được bố trí cho các dự án như Dự án xây dựng nút giao An Phú 500 tỷ đồng; Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đường Vành đai 3 số vốn 500 tỷ đồng; xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 huyện Bình Chánh 45,89 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên 1.500 tỷ đồng.

Nhằm tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cũng như đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện kế hoạch giải ngân của từng dự án theo từng tuần, từng tháng; nêu rõ từng nhiệm vụ công việc cụ thể trong từng tuần, từng tháng và cam kết thực hiện giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2024.

Trong số đó, hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai thi công và giải ngân vốn theo tiến độ cụ thể gồm dự án nhóm C trước ngày 31/3/2024; các dự án nhóm A, B trước ngày 31/6/2024; đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt từ 95% trở lên, trong đó, đặt mục tiêu trong quý I/2024, giải ngân không thấp hơn 12%.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư quán triệt, nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đã đề ra.

Các chủ đầu tư tổ chức thực hiện, hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu thi công các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, đảm bảo khởi công các dự án trong quý I/2024.

Các đơn vị, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng các quận, huyện và TP. Thủ Đức thực hiện giao ranh, cắm mốc theo quy định trước khi triển khai việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giám sát, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình; kiên quyết có biện pháp chế tài theo quy định và hợp đồng xây dựng đã ký đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng.

UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố phối hợp các cơ quan, đơn vị rà soát việc lập kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đảm bảo đúng các mục tiêu của Thành phố và hoàn thành trong tháng 02/2024; đồng thời chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư rà soát, tham mưu, đề xuất bố trí, điều chỉnh kế hoạch vốn linh động; kiên quyết đề xuất cắt giảm vốn các dự án chậm tiến độ, bổ sung vốn kịp thời cho các dự án triển khai tốt; tập trung bố trí vốn các dự án lớn, trọng điểm có tác động lan tỏa, tuyệt đối không dàn trải để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng tỷ lệ giải ngân.

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh giao 3 Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đầu tư công tổ chức rà soát tiến độ giải ngân, các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch năm 2024; tiếp tục theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án theo số vốn kế hoạch năm 2024 đã giao, đặc biệt các dự án được giao vốn lớn trên 50 tỷ đồng, đảm bảo tỷ lệ giải ngân trên 95% cho từng dự án; kịp thời nhận diện các khó khăn, vướng mắc và báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để xử lý, tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh giao các tổ công tác làm việc với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hằng tuần để rà soát từng dự án, qua đó kịp thời đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền.

Đối với các dự án đầu tư công nói chung, các dự án trọng điểm nói riêng, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công (3 ca 4 kíp), nghiên cứu về định mức và các quy định liên quan để rút ngắn thời gian lập hồ sơ dự án, hồ sơ mời thầu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu theo quy định.

Chủ đầu tư các dự án liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật với các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công; xử phạt, xử lý nghiêm (không có ngoại lệ) nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, phát huy hiệu quả đầu tư dự án./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh: Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 12% trong quý I