Trong đó, lực lượng chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 1 vụ hàng lậu, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 1,7 tỷ đồng.
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nhận định, tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như facebook, zalo hoạt động trên nền tảng di động trong thời điểm này rất phức tạp, việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý; người thực hiện dịch vụ giao nhận hàng hóa bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện.
Trước thực trạng đó, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tập trung giám sát, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và các kho bãi, điểm chứa trữ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Triển khai thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, các Đội Quản lý thị trường tại TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 83 vụ, phát hiện 34 vụ vi phạm, đã tạm giữ 6.961 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo dự báo, thời gian tới, hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm trên thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok sẽ phát triển theo chiều hướng tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa. Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tích cực triển khai việc kiểm tra, rà soát kỹ tình hình giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, tăng giá bất hợp lý, đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm./.