Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phải là khâu đột phá

(BKTO) - Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển doanh nghiệp (DN), DN phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh - đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) kiến nghị.

db-thang.jpg
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Tháo gỡ ngay rào cản thể chế

Thảo luận tại phiên họp sáng 31/5, đại biểu Hoàng Đức Thắng chỉ rõ, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 rất đáng quan ngại khi GDP tăng trưởng quý I chỉ đạt 3,32%, thấp hơn với cùng kỳ 5,03%; nhiều địa phương có vị trí quan trọng trong bản đồ kinh tế đất nước ở tốp đầu lại sụt giảm tăng trưởng.

Theo đại biểu, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do DN ở các địa phương đang gặp vô vàn khó khăn, nhiều DN đang cố “thoi thóp” để tồn tại khi khó khăn đang bủa vây.

Tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số DN tạm ngừng, giải thể tăng lên; DN nội địa đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm.

Điển hình là hiện nay, các tập đoàn Thái Lan đã sở hữu rất nhiều DN đầu ngành của Việt Nam và thu hàng tỷ USD tiền cổ tức từ các DN đứng đầu này khiến cho nền kinh tế, nền sản xuất vốn đã “ốm yếu” của DN Việt Nam trở nên rất mong manh.

Cùng với đó là những khó khăn do các quy định pháp luật càng siết chặt khi số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong năm đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.

Những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong phòng cháy, chữa cháy, những ách tắc trong các kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất tiền cho vay ở mức cao như là những cú bồi khiến cho doanh nghiệp “knock out” ngay trên sân nhà.

Thêm nữa, DN khát vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục tiếp cận.

“Tất cả những vấn đề trên đây chỉ là những mảnh ghép đơn lẻ trong bức tranh kinh tế, càng cho thấy DN đang đứng trước vô vàn khó khăn mà Quốc hội cần biết, Chính phủ cần thấy rõ để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn này. DN ví như xương sống của nền kinh tế, DN phát triển thì đất nước hưng thịnh, DN suy yếu thì nền kinh tế khó khăn” - đại biểu nêu rõ.

Đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển DN. DN phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh.

Trước mắt, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp.

Đồng thời, khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp giảm chi phí tối đa cho DN.

“Chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì DN mới có cơ may phục hồi và phát triển, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng” - đại biểu nhấn mạnh.

Tiếp tục giảm thuế, hạ lãi suất

Đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của DN.

Bên cạnh đó, NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của DN, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp DN giảm bớt khó khăn.

Đối với chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, đại biểu đề nghị Chính phủ huy động các kênh thông tin, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết và đón nhận. Đồng thời, Quốc hội cần tiếp tục xem xét mức giảm thuế VAT xuống từ 3% - 4% và kéo dài đến hết năm 2024.

“Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế cho DN để thu hút đầu tư, Việt Nam cũng nên xem xét giảm thuế VAT ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua. Từ đó, DN có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy DN, góp phần cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong cả nước” - đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị.

Trước tình trạng các DN gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị Chính phủ cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát.

Đại biểu cũng đề xuất NHNN chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.

Cùng chuyên mục
  • VINAMILK: Nhà máy và trang trại được chứng nhận đạt trung hoà carbon
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Vừa qua tại Nghệ An, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đã công bố chính thức lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathway to Dairy Net Zero 2050"(Vinamilk hướng đến Net Zero 2050). Đặc biệt tại sự kiện này, Vinamilk cũng được xác nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa Carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060.
  • Khai thác dầu thô, sản xuất xăng dầu của PVN tăng trưởng ấn tượng
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như dầu thô, khí, điện và xăng dầu, đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của PVN trong bối cảnh nhu cầu của nền kinh tế ở mức cao.
  • PV GAS có Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc mới
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty cổ phần (PV GAS) đã bầu ông Nguyễn Thanh Bình, thành viên HĐQT PV GAS giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT PV GAS. Đồng thời, HĐQT PV GAS cũng bổ nhiệm ông Phạm Văn Phong, thành viên HĐQT PV GAS giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty cổ phần.
  • Doanh nghiệp gia đình tăng trưởng lớn nhất trong 15 năm qua
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - 71% doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) báo cáo tăng trưởng trong năm tài chính gần nhất, với 43% báo cáo tăng trưởng hai con số và 77% dự kiến ​​sẽ tăng trưởng trong hai năm tới, theo Khảo sát DNGĐ toàn cầu lần thứ 11 của PwC.
  • PV GAS ký hợp đồng nhập khẩu chuyến LNG đầu tiên đến Việt Nam
    11 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 22/5/2023, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã ký kết Xác nhận Mua hàng (Confirmation Notice) với nhà cung cấp Shell, theo đó Shell sẽ cung cấp chuyến LNG đầu tiên đến Việt Nam. Shell là công ty dầu khí đa quốc gia, là nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phải là khâu đột phá