Tháo gỡ khó khăn để triển khai Dự án điện khí Sơn Mỹ I, II

(BKTO) - Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đến năm 2030, Việt Nam phải tăng gấp đôi công suất điện của toàn hệ thống so với hiện nay và chuyển dịch mạnh cơ cấu để bảo đảm đến năm 2050, Việt Nam đạt trung hòa carbon.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Đại sứ nước Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Việt Nam khi trao đổi, thảo luận về một số dự án điện mới đây.

4(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: CT

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, theo Quy hoạch, đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện khí phải đạt mức gần 37 ngàn MW, tương ứng với 25% trong tổng công suất các nguồn điện của Việt Nam, trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II.

Hai Dự án này có tổng công suất 4.500 MW đã được Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương đầu tư trong Khu công nghiệp Sơn Mỹ I, huyện Hàm Tân và dự kiến sẽ chính thức đưa vào vận hành trong giai đoạn 2027-2029.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, báo cáo nghiên cứu khả thi của 2 dự án này cơ bản được các nhà đầu tư hoàn thiện theo quy định của Luật PPP và Nghị định số 35 của Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, các dự án này tồn tại một số vướng mắc theo đề xuất của chủ đầu tư về một số nguyên tắc cần Chính phủ Việt Nam xem xét chấp thuận như: bao tiêu sản lượng tối thiểu, chuyển ngang giá khí và giá điện và bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh khả năng thanh toán của EVN...

Hiện nay, Bộ Công Thương đang được Chính phủ và lãnh đạo cấp cao giao nhiệm vụ đề xuất sửa đổi Luật Điện lực hiện hành. Theo đó sẽ bổ sung một số cơ chế chính sách để phát triển một số dự án điện khí theo hướng Chính phủ quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích phát triển điện phù hợp với Quy hoạch và phù hợp với cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh, bao gồm cơ chế cam kết sản lượng điện tối thiểu dài hạn, thời gian áp dụng, nguyên tắc tính giá điện, bảo đảm thực hiện dự án điện đầu tư và cơ chế cần thiết khác.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ các nước Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản tại Việt Nam thẳng thắn trao đổi những vướng mắc, khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo phát triển các dự án nhiệt điện khí trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đã bày tỏ sự chia sẻ đến Chính phủ Việt Nam cũng như người dân Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 và hoàn lưu bão. Đồng thời trao đổi về những đề xuất của các nhà đầu tư đối với hai dự án điện khí Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của các Đại sứ về việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để triển khai các dự án điện khí, đặc biệt là đối với hai dự án Sơn Mỹ I, II để vừa đảm bảo thực hiện Quy hoạch Điện VIII, vừa đảm bảo nhu cầu điện năng cho cả nước, đồng thời từng bước thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

“Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam đều là những đối tác chiến lược của nhau, cùng là đối tác JEPT để thực hiện mục tiêu trung hòa các bon, do vậy trên tinh thần vừa là đối tác chiến lược của nhau, vừa là đối tác JEPT, các bên sẽ cùng bắt tay để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các dự án này để tiến về phía trước”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, các dự án điện khí Sơn Mỹ I, II đang được các nhà đầu tư đề xuất thực hiện với các ưu đãi, đảm bảo đầu tư tương tự như các dự án điện BOT đã thực hiện trước đây, tuy nhiên, những đề xuất này không có trong quy định pháp luật hiện hành và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các điều kiện ưu đãi, đảm bảo đầu tư để thực hiện dự án như yêu cầu của nhà đầu tư sẽ không đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam khi mà những rủi ro tài chính chuyển sang cho Chính phủ Việt Nam./.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ khó khăn để triển khai Dự án điện khí Sơn Mỹ I, II