Khó khăn về tài chính vẫn là rào cản lớn cho công tác bảo tồn di tích. Ảnh sưu tầm |
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), tổng số di tích cả nước hiện đã được kiểm kê là hơn 40 nghìn, trong đó 8 di tích được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới, 123 di tích quốc gia đặc biệt, 3.599 di tích quốc gia, 10.755 di tích cấp tỉnh...
Với số lượng di sản đồ sộ, số lượng di tích bị xuống cấp, cần bảo tồn hằng năm cũng rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, kinh phí từ ngân sách bố trí cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được giao chung trong các lĩnh vực chi sự nghiệp văn hóa thông tin và theo phân cấp ngân sách hiện hành; bố trí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án có liên quan...
Do đó, kinh phí đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn thấp do không phải là lĩnh vực ưu tiên đầu tư; việc tu bổ, phục hồi các di sản mới chỉ dừng lại ở mức cầm cự trước mắt.
Trong khi đó, các địa phương vẫn thiếu quy định cụ thể về việc trích lại một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ du lịch khai thác giá trị di sản văn hóa để tái đầu tư, tu bổ, bảo tồn di sản văn hóa. Thực tế, nguồn thu phí tham quan di tích, di sản lại nộp vào ngân sách địa phương, được địa phương cân đối chung cho chi thường xuyên và chi đầu tư, chứ không được sử dụng để chi cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Box: Giai đoạn 2015-2020, với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngành văn hóa được NSNN phân bổ 245 tỷ đồng trong 5 năm để bảo tồn, tôn tạo cho 400 di tích ở các địa phương, bình quân mỗi di tích được đầu tư 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Trong khi kinh phí để trùng tu di tích tốn gấp nhiều lần kinh phí đầu tư, sửa chữa các công trình xây dựng cơ bản.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, hiện còn khá nhiều bất cập trong quá trình triển khai cơ chế, chính sách tài chính cho công tác bảo tồn di sản văn hóa, dẫn đến tình trạng không thu hút, tập trung được nguồn lực tài chính cho nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Nếu không trùng tu, bảo tồn di tích kịp thời thì nhiều di sản có nguy cơ biến mất, trong đó có cả các di sản văn hóa thế giới.
Hiện trạng nhiều di tích tại các địa phương đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi việc trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn đã được đề cập tại diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua.
Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2021, đại biểu Quốc hội cũng đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng: Di sản văn hóa có thể ví như tấm gương phản chiếu lịch sử hình thành vùng đất con người có ý nghĩa xã hội, nhân văn, sâu sắc, di sản văn hóa không dễ hình thành mà rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất.
Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa mang tính lâu dài. Đây không còn là nhiệm vụ của một cấp, một ngành mà là của quốc gia, dân tộc. “Song thực trạng công tác quản lý bảo tồn phát huy di sản văn hóa của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập” - đại biểu Dương Văn Phước cho biết.
Nêu cao trách nhiệm trong bảo tồn di sản
Đánh giá về thực trạng công tác bảo tồn di sản vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề di tích và di sản. Tuy nhiên, với một số lượng di tích, di sản đã được công nhận và xếp hạng rất lớn, đòi hỏi cần phải có nguồn lực tương xứng mới có thể đáp ứng được yêu cầu về bảo tồn di sản.
Bảo tồn di tích rất tốn kém, nhưng là yêu cầu cấp thiết được đặt ra |
Vì vậy, để phát huy được giá trị của di tích, di sản, căn cứ vào Luật Di sản văn hoá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, mỗi người cần coi di tích, di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng, là lịch sử ngàn đời mà cha ông ta đã để lại. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân phải có trách nhiệm phát huy, bảo tồn và lan toả.
Theo Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ này, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã kết thúc, Bộ VH-TT&DL không được phân bổ nguồn vốn. Chính vì vậy tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc để triển khai Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, Bộ đã chính thức báo cáo và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng ý, cho phép nghiên cứu để xây dựng một chương trình chấn hưng và phát triển văn hoá Việt Nam, trong đó có nội dung về nâng cấp di tích, di sản.
Hiện, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, cân đối, trình Quốc hội để có thể bố trí một khoản kinh phí điều tiết cho địa phương chống xuống cấp di tích, di sản. “Di tích ở địa phương nào, địa bàn nào thì địa phương đó có cộng đồng trách nhiệm và phải được phát huy giá trị di tích ngay tại địa phương đó” - Bộ trưởng nhấn mạnh về trách nhiệm, cũng như phân cấp trong bảo tồn di tích, di sản hiện nay.
Xuất phát từ việc phát huy giá trị di sản văn hóa phải đi đôi với việc bảo tồn, quản lý và tôn tạo di sản, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ quy định cụ thể việc thu phí tham quan chỉ để chi vào việc quản lý và phát huy các giá trị di sản văn hóa mà không tính vào NSNN theo Điều 58 Luật Di sản văn hóa, Điều 17 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP.
Cũng liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, trước đó, đại biểu Đặng Quốc Khánh (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, để bảo tồn, phát huy, không đơn thuần chỉ tập trung vào nguồn lực đầu tư mà quan trọng hơn là công tác tuyên truyền, gắn bảo tồn phát huy di sản vào đời sống người dân. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cần phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, do đó, các địa phương cần chuẩn bị các điều kiện để tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, góp phần quảng bá, gìn giữ các giá trị di sản.