Tháo gỡ vướng mắc, hạn chế trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

(BKTO) - Mặc dù đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) những năm gần đây gia tăng nhanh và đã vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội giao. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai chính sách cho thấy còn nhiều khó khăn, hạn chế cần có giải pháp tháo gỡ, nhằm đạt mục tiêu BHYT toàn dân.



                
   

Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để phát triển đối tượng tham gia BHYT

   

Bất cập trong chính sách và tổ chức thực hiện

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay chính sách pháp luật còn nhiều tồn tại, vướng mắc làm ảnh hưởng đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, tuy nhiên, chưa có quy định, chế tài cụ thể đối với đối tượng tự đóng BHYT nhưng không tham gia như học sinh, sinh viên (HSSV), hộ gia đình. Bên cạnh đó, người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác nước ngoài chưa quy định cụ thể có phải tham gia BHYT; chưa có văn bản hướng dẫn việc thực hiện BHYT cho các đối tượng nạn nhân bị bom mìn vật nổ sau chiến tranh và đối tượng huấn luyện viên, vận động viên thể thao.

Trong tổ chức thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHYT cũng còn không ít hạn chế. Trong đó, việc lập danh sách của một số đối tượng tham gia BHYT do NSNN đóng và hỗ trợ đóng bị chậm, phải điều chỉnh thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT (gia hạn) do một số quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chậm như: đối tượng thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn; đối tượng người thuộc hộ gia đình nghèo; đối tượng cựu chiến binh, thân nhân người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ.

Đối với đối tượng trẻ em, thực tế triển khai cho thấy, hầu hết các địa phương thực hiện chưa tốt Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, dẫn đến việc chậm cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Ngoài ra, theo quy định, “đối với trẻ em dưới 6 tuổi, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT kể từ ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT đến ngày 30 tháng 9 của năm đó”. Tuy nhiên, tại một số địa phương, cơ quan tài chính chỉ thanh toán tiền đóng BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ ngày lập danh sách đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi, không thanh toán số tiền đóng BHYT từ ngày sinh đến ngày cơ quan có thẩm quyền lập danh sách.

Tại một số địa phương chưa bố trí được ngân sách địa phương để hỗ trợ mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên và người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Đối với hộ cận nghèo, Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương chủ động ngân sách và huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ tham gia, tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, song đến nay vẫn còn 17 tỉnh, thành phố chưa bố trí ngân sách địa phương thực hiện hỗ trợ đầy đủ 100% mức đóng BHYT còn lại, trong đó có 05 tỉnh, thành phố không hỗ trợ (Bến Tre, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thanh Hóa) nên tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm này chưa đạt 100%.

Cần sự vào cuộc tích cực, chủ động hơn nữa

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHYT; đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp.

Về phía các Bộ, ngành cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT. Đối với hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình mức hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT; đối với học sinh, sinh viên (HSSV) hỗ trợ thêm từ 20% mức đóng BHYT trở lên; giao trách nhiệm cho Ủy ban Dân tộc chỉ đạo lập danh sách tham gia BHYT của đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn.

Để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành Thông tư quy định việc xác định đối tượng tham gia BHYT do ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý theo quy định tại Luật BHYT. Theo đó các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT; Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để triển khai công tác thông tin, truyền thông, vận động HSSV tham gia BHYT; đưa chỉ tiêu tham gia BHYT trong nhà trường vào chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường, học viện.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chính sách hỗ trợ cho đối tượng tham gia BHYT từ nguồn kinh phí chuyển đổi từ chi cho bệnh viện sau khi tăng giá viện phí để hỗ trợ tham gia BHYT cho từng nhóm đối tượng; cân đối, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng HSSV, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ tối thiểu 30% lên mức tối thiểu 50%.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc xác định, lập danh sách tham gia BHYT cho các đối tượng do ngành lao động quản lý nhằm đảm bảo thời gian và tiến độ thực hiện. Đồng thời, phối hợp Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động./.

Bài và ảnh: N. KIM
Cùng chuyên mục
Tháo gỡ vướng mắc, hạn chế trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế