Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu vàng miếng dự kiến được tổ chức vào lúc 9h30 sáng thứ Ba (ngày 14/5), tại Cục Dự trữ và Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (25 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Khối lượng vàng miếng SJC dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng.
Tuy nhiên, phiên đấu thầu này sẽ có một số thay đổi đáng kể so với các phiên trước đó. Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng. Mức giá tham chiếu này cao hơn 2,7 triệu đồng so với giá tham chiếu của phiên đấu thầu gần nhất diễn ra sáng 8/5.
Thành viên tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc 10% giá trị khối lượng đăng ký (theo giá tham chiếu).
Trong phiên đấu thầu ngày mai, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thay đổi về số lượng tối thiểu và tối đa doanh nghiệp được phép đặt cọc.
Theo đó, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 5 lô (tương đương 500 lượng), thấp hơn 2 lô (200 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước đó.
Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (tương đương 4.000 lượng), nhiều hơn 20 lô (2.000 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước đó.
Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).
Tuần này, Ngân hàng Nhà nước dự kiến có hai phiên đấu thầu, tăng gấp đôi tần suất so với trước, để thêm nguồn cung ra thị trường.
Hai tuần gần đây, 5 phiên gọi thầu được Ngân hàng Nhà nước tổ chức với mục đích tăng cung ra thị trường, hạ nhiệt giá vàng miếng so với thế giới. Tuy nhiên, các phiên thầu được đánh giá là chưa thành công.
Đến nay, chỉ khoảng 6.800 lượng vàng miếng, chiếm 8% quy mô chào thầu được tung ra thị trường. Số vàng này nhanh chóng được thị trường hấp thụ, đẩy giá vàng miếng SJC càng lên cao sau các phiên đấu thầu./.