Thay đổi phương thức giúp người dân thoát nghèo bền vững

(BKTO) - Một thách thức hiện nay trong công tác giảm nghèo là vẫn còn một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên mà có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo. Đại dịch Covid-19 xảy trong 2 năm vừa qua là một “phép thử” rõ nhất.

giam-ngheo.jpg
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn đầu tư vào các mô hình sinh kế thông minh, phù hợp sẽ giúp người dân thoát nghèo. Ảnh minh họa

Tốc độ giảm nghèo chậm

Đề cập đến những hạn chế trong công tác giảm nghèo, nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện nhưng vẫn còn một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với những thách thức này, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) - thẳng thắn cho rằng, công tác giảm nghèo tồn tại một số hạn chế ở các phương diện nguồn lực, hệ thống chính sách, việc tổ chức thực hiện tại địa phương, công tác đào tạo… Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ thoát nghèo chủ yếu chuyển sang hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều trong các vùng của cả nước.

Đáng chú ý, tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn, chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong đó, “lõi nghèo” tập trung nhiều ở khu vực các tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, nhất là khu vực miền núi Tây Bắc. Đây là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc nhận định, thực trạng nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là hộ nghèo người dân tộc thiểu số đang là một thách thức lớn. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm tới 61,29% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 0,3 lần mức bình quân chung cả nước.

Đổi mới phương thức giảm nghèo

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo duy trì ở mức 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, một số chính sách giảm nghèo hiện hành tiếp tục được thực hiện đầy đủ, kịp thời như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lặp.

Thực tế cho thấy, hiện nước ta đang thực hiện theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, chuẩn này về thu nhập cao hơn gần gấp 2 lần so với chuẩn nghèo của giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, các tiêu chuẩn thiếu hụt các dịch vụ xã hội cùng các chỉ số xem xét cũng cao hơn.

Do đó, muốn đạt được 4 chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, trong đó có tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải lựa chọn đầu tư vào các mô hình sinh kế thông minh, phù hợp. Đầu tư vào những mô hình đó còn là đầu tư vào con người, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của họ.

Các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch cộng đồng phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo cần đặc biệt chú ý, nhất là những mô hình tạo ra nhiều việc làm, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cho địa phương. Kinh nghiệm của giai đoạn trước cũng chỉ ra rằng, các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường nếu được phát huy trong mô hình sinh kế càng có tác dụng giúp tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đề xuất giải pháp để triển khai giảm nghèo hiệu quả, ông Lợi cho rằng, cần đánh giá các chương trình, chính sách giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020 theo các tiêu chí như: Tính kịp thời trong việc hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách; tính phù hợp của cơ chế, chính sách, dự án đã ban hành trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo về đối tượng thụ hưởng, đặc điểm vùng, miền; tính phù hợp với nguồn lực và năng lực thực thi của các địa phương.

Bên cạnh đó, cần đánh giá đến tính đồng bộ và hệ thống của cơ chế, chính sách và giải pháp giảm nghèo; tính đầy đủ thể hiện ở mức độ bố trí nguồn lực, bảo đảm đầy đủ và kịp thời nguồn lực cho thực hiện các dự án, chính sách trong chương trình giảm nghèo; tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình/.

Cùng chuyên mục
  • Tôn vinh các gương điển hình tiên tiến toàn quốc
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc vào ngày 11/6/2023.
  • "Ngày hội Thế giới tuổi thơ” và triển lãm tranh nhân dịp tết thiếu nhi
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tối 31/5, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã khai mạc Ngày hội Thế giới tuổi thơ lần thứ XXIV - Trao giải thưởng Cuộc thi và Triển lãm tranh thiếu nhi toàn quốc năm 2023” nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em.
  • Cần đánh giá độc lập về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Dẫn kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) bày tỏ băn khoăn về những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).
  • Phòng, chống cháy nổ, song không đổ khó cho doanh nghiệp
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sau hàng loạt vụ cháy nổ xảy ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa phương đã siết chặt quản lý đối với loại hình dịch vụ này, đặc biệt là trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, việc chậm trễ trong việc hướng dẫn cơ sở khắc phục bất cập về PCCC đang gây thiệt hại to lớn về kinh tế cho các cơ sở kinh doanh, cũng như ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có giải pháp gỡ vướng cho hoạt động kinh doanh karaoke.
  • Phát hành bộ tranh cổ động Ngày Bác ra Lời kêu gọi "Thi đua ái quốc"
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa phát hành bộ tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi "Thi đua ái quốc" (11/6/1948-11/6/2023).
Thay đổi phương thức giúp người dân thoát nghèo bền vững