Phòng, chống cháy nổ, song không đổ khó cho doanh nghiệp

(BKTO) - Sau hàng loạt vụ cháy nổ xảy ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa phương đã siết chặt quản lý đối với loại hình dịch vụ này, đặc biệt là trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, việc chậm trễ trong việc hướng dẫn cơ sở khắc phục bất cập về PCCC đang gây thiệt hại to lớn về kinh tế cho các cơ sở kinh doanh, cũng như ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có giải pháp gỡ vướng cho hoạt động kinh doanh karaoke.

phong-chay2.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn PCCC tại một cơ sở kinh doanh karaoke. Ảnh sưu tầm

Doanh nghiệp “sống mòn” vì quy định PCCC

Liên tiếp các vụ việc cháy nổ nghiêm trọng xảy ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thời gian qua gây hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản, trong đó nguyên nhân được xác định chủ yếu là do các cơ sở này không đảm bảo điều kiện về PCCC, làm gia tăng rủi ro khi cháy nổ xảy ra. Trước tình hình đó, cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo rà soát công tác cấp phép kinh doanh, hoạt động karaoke, tăng cường hướng dẫn, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ này.

Các tỉnh, thành phố được giao tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke; có chế tài xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện, hoạt động không phép. Chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy, có phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn...

Đồng tình với việc siết quản lý Nhà nước để rà soát, phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, song theo phản ánh của một số cơ sở kinh doanh karaoke, gần 3 năm dịch bệnh, các cơ sở kinh doanh đã phải đóng cửa, không thu hồi được vốn đầu tư. Sau dịch bệnh, các chủ quán  tiếp tục sửa chữa lại cơ sở vật chất thì nay lại phải ngừng hoạt động vì các quy định liên quan tới PCCC thay đổi thường xuyên và thiếu sự thống nhất trong thực hiện đánh giá. Nhiều  chủ cơ sở karaoke rơi vào cảnh kiệt quệ vì phải trả phí duy trì cơ sở kinh doanh trong khi việc rà soát nghiệm thu PCCC vẫn giậm chân tại chỗ...

Trước tình trạng này, vừa qua, hàng chục hộ kinh doanh karaoke tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước kiến nghị Thủ tướng một số vấn đề liên quan công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Các hộ kinh doanh mong muốn Chính phủ hướng dẫn các quy chuẩn về phòng cháy mang tính tháo gỡ cho ngành nghề karaoke. Đối với các cơ sở đã chỉnh sửa theo yêu cầu của các đoàn kiểm tra, đề nghị cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra lại để được nghiệm thu và đi vào hoạt động, tránh gây lãng phí.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đối thoại với tập thể cơ sở kinh doanh karaoke nhằm tìm kiếm các giải pháp khắc phục cũng như giải đáp thắc mắc của các cơ sở.

z4389458688385_1003fa3ab83c8c44778943e56cf02aa2.jpg
Một cơ sở kinh doanh karaoke phải đóng cửa để sửa chữa, đáp ứng tiêu chuẩn về PCCC, tại Hà Nội. Ảnh: N.Lộc

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích, đối với quy định mới về PCCC, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này sẽ khó đáp ứng hết các quy chuẩn. Theo đó, nhiều hạng mục của cơ sở kinh doanh đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động trước đó, nhưng sau một số vụ cháy nổ tại cơ sở kinh doanh karaoke, khi cơ quan chức năng vào kiểm tra, đối chiếu với quy chuẩn 06:2022/BXD (ban hành theo Thông tư số 06/2022/TT-BXD ngày 30/11/2022) vẫn thấy bất cập nên yêu cầu cơ sở phải đóng cửa để khắc phục.

Điều đáng nói, các quy chuẩn đối với các cơ sở karaoke thay đổi liên tục, chính cơ quan chức năng từng thừa nhận các cơ sở khó đáp ứng hết các tiêu chuẩn về PCCC. Các cơ sở cũng không biết phải đáp ứng như thế nào, dù đã hoạt động thời gian dài và đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép hoạt động, nghiệm thu PCCC theo đúng quy định trước đó.

Tháo gỡ khó khăn cho DN

Việc đảm bảo quy định về PCCC là rất cần thiết để tổ chức dịch vụ, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, việc áp dụng một số quy định, quy chuẩn liên quan PCCC còn có những điểm chưa phù hợp; cách làm thiếu thống nhất tại một số địa phương khiến nhiều cơ sở kinh doanh karaoke phải đóng cửa, gây khó khăn cho cơ sở kinh doanh và để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Để đảm bảo vừa tuân thủ quy định PCCC, vừa không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, người dân, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì cùng Bộ Xây dựng rà soát lại chính sách, pháp luật PCCC để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất lên cấp cao hơn để chỉnh sửa. Bộ Xây dựng được giao rà soát các quy định trong đầu tư xây dựng nhà, công trình sản xuất, kinh doanh.

Người đứng đầu tại các địa phương được giao xử lý ngay những bất cập trong quản lý nhà nước cũng như xử lý dứt điểm những vi phạm PCCC trong đầu tư xây dựng theo thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. 

dai-bieu-pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp): Cần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: Quochoi.vn

Tại cuộc họp tổ sáng ngày 25/5, đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, xây dựng các quy chuẩn về PCCC tổ chức lấy ý kiến, ghi nhận vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để có giải pháp gỡ vướng kịp thời. Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, quy định về PCCC hiện nay rất ngặt nghèo, không rõ hiểu căn cứ vào tiêu chuẩn nào. "Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng các tiêu chí ở Việt Nam cao hơn ở nước ngoài, Chính phủ cần giải trình. Nếu có thì cần xem xét phù hợp với thực tế" - đại biểu cho biết.

Luật sư Nguyễn Đức Anh cho rằng, việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke phải chấp hành nghiêm quy định về PCCC là cần thiết, bắt buộc. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất các phương án tháo gỡ, có những cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ chính các hoạt động kinh doanh dịch vụ này. Cơ quan chức năng nên có lộ trình, thời gian để các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có thời gian khắc phục tồn tại về PCCC. Trong đó, cần cân nhắc trong vấn đề thẩm định PCCC ở những cơ sở karaoke trước đây đã được cấp phép hoạt động và chứng nhận về PCCC theo Thông tư số 47/2015/TT-BCA và Thông tư số 147/2020/TT-BCA quy định về biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.

Đồng thời, việc tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng cần thực hiện đồng bộ, áp dụng thống nhất tại tất cả các địa phương và phải có phản hồi tới doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân không biết kiến nghị của mình được giải quyết đến đâu.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gỡ vướng cho hoạt động kinh doanh karaoke gửi tới ba bộ: Công an, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý theo thẩm quyền.  Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, kịp thời phát hiện những vướng mắc về PCCC để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. 

Cùng chuyên mục
Phòng, chống cháy nổ, song không đổ khó cho doanh nghiệp