Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền phải đi đôi với quy định trách nhiệm. Ảnh: chinhphu.vn |
Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá tổng quan về những thành tựu, kết quả đạt được trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật; nhận diện rõ các hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra phương hướng, các giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này.
Hội nghị thống nhất xác định rõ xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, cần tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, lấy quyền, lợi ích chính đáng của người dân, DN làm trọng tâm giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan sẽ tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế trong các lĩnh vực được coi là “điểm nóng”, đang được dư luận xã hội, DN, người dân quan tâm; kịp thời ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: pháp luật về môi trường, đất đai, an sinh xã hội, tài chính, hợp tác công - tư; hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát bằng hệ thống pháp luật; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Các đại biểu cũng đề ra định hướng, xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật cho nhiệm kỳ 2021-2026, định hướng đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chỉ rõ những yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030. Bộ Tư pháp đề xuất giai đoạn tới, cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật trong các lĩnh vực phòng chống Covid-19 và khắc phục hậu quả đại dịch; chú trọng tháo gỡ những điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng kiến nghị, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của địa phương khi được phân cấp, phân quyền; các địa phương cũng phải đẩy mạnh phân cấp, chủ tịch tỉnh phân cấp cho các giám đốc sở và các quận, huyện; quan tâm cơ chế bảo đảm nguồn lực cho phân cấp phân quyền, nhất là nguồn lực con người và cơ sở vật chất…
Làm tốt hơn công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng, đề xuất được nhiều giải pháp khả thi; đồng thờinhấn mạnh một số nội dung để các Bộ ngành, địa phương quán triệt, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong thời gian tới.
Trước hết, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng nêu thực tế có Bộ chỉ phân công thứ trưởng, thậm chí vụ trưởng, địa phương chỉ phân công Phó chủ tịch UBND phụ trách công tác này.
Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh, sau Hội nghị này, những Bộ, ngành, địa phương nào chưa điều chỉnh phải điều chỉnh ngay; bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, với quy chế, quy định làm việc đúng tầm, bảo đảm lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu.
Thứ hai, tiếp tục tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên tinh thần nhà nước pháp quyền.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển, tạo động lực phát triển, phát huy các nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quyết định, cùng với nguồn lực tài nguyên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.
Thứ tư, rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn. Mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và DN, để người dân và DN phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, phải quan tâm lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, người dân và DN phải được tham gia.
Thứ năm, phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật để biết chính sách đúng sai thế nào, nguyên nhân do quy định, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi? Thủ tướng yêu cầu trong tổ chức thi hành pháp luật, phải quán triệt tận cơ sở, tới người dân, DN, tới đối tượng điều chỉnh.
Thứ sáu, việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền phải đi đôi với quy định trách nhiệm, thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực, bố trí nguồn lực và cắt giảm các thủ tục hành chính./.
HỒNG NHUNG