Thế giới biến động ảnh hưởng đến thị trường ngành thức ăn chăn nuôi

(BKTO) - Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển thị trường thức ăn chăn nuôi (TACN). Tuy nhiên, do nguồn cung trong nước hạn chế, nguyên liệu phải nhập khẩu lớn nên các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào biến động giá cả, nguồn cung của thị trường thế giới.

cp.jpg
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhiều triển vọng tăng trưởng. Ảnh minh họa: VGP

Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu vẫn lớn

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu về hàng hóa thực phẩm sẽ tăng 60% vào năm 2050, trong đó nhu cầu về protein động vật sẽ tăng 1,7% mỗi năm. Sản lượng thịt, thủy sản và các sản phẩm từ sữa cũng được kỳ vọng sẽ tăng.

Diễn tiến này được dự báo sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển, tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường chăn nuôi, kéo theo đó là hoạt động sản xuất và kinh doanh TACN.

Quy mô thị trường TACN toàn cầu năm 2021 đã đạt 482,1 tỷ USD và được dự kiến sẽ đạt 589,4 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 3,5% trong giai đoạn 2022-2027 (theo IMARC).

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển thị trường TACN. Theo thống kê, tổng nhu cầu thức ăn tinh cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm 35%. Như vậy tức là Việt Nam phải nhập khẩu đến 65% từ thị trường bên ngoài.

Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu trung bình 20-22 triệu tấn nguyên liệu TACN mỗi năm (bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu TACN và nguyên liệu đạt trên 5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường mà Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất là Argentina (chiếm 29,8%), tiếp theo là Brazil (20,2%) và Hoa Kỳ (12,8%), trong đó nhiều nhất là ngô và đậu tương. Số liệu mới nhất từ Tổng cục thống kê cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, nhập khẩu ngô hơn 8,4 triệu tấn, trị giá gần 2,9 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kì năm trước.

Nhiều khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Các chuyên gia nhận định, chính vì phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu nên những biến động trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây đã được phản ánh chân thực vào bức tranh tổng thể của ngành TACN trong nước.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 10-11/2022 cũng cho thấy sự tương đồng với nhận định trên khi các doanh nghiệp TACN chia sẻ khó khăn hàng đầu tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ phần lớn đến từ thị trường quốc tế.

Nếu xét theo thang điểm 5 thì các yếu tố tác động đáng kể nhất là biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào được doanh nghiệp chấm 3,4/5 điểm. Yếu tố rủi ro từ chuỗi cung ứng và sức ép từ tỷ giá gia tăng đều được chấm 3/5 điểm; lạm phát tăng cao đột biến ở hầu hết các quốc gia và bất ổn chính trị trên thế giới đều được chấm 2,6/5 điểm.

Cũng cần phải nhắc lại “siêu chu kỳ” tăng giá hàng hóa bắt đầu từ năm 2020 đã bao trùm lên các loại nông sản, nguyên liệu chính cho hoạt động sản xuất TACN tại Việt Nam. Do tính chất liên thông trực tiếp với giá thế giới, giá các loại nguyên liệu TACN tại thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì ở vùng giá ổn định, khó giảm mạnh.

Cùng với biến động giá năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Ngoài áp lực cạnh tranh, còn có xu hướng gia tăng trong 2 năm trở lại đây, đó là áp lực đến từ quyền thương lượng của khách hàng và quyền thương lượng của nhà cung ứng đều tăng mạnh.

Trong khi đó, sản lượng nguyên liệu cho TACN (chủ yếu là ngô và đậu tương) của nước ta chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,4% và 0,02%) chưa kể chất lượng và năng suất thấp đã làm giá ngô sản xuất trong nước khó cạnh tranh với giá ngô thế giới.

Bên cạnh đó, tuy có lợi thế về sản xuất gạo và gạo có thể thay thế một phần ngô làm TACN mà không ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng chăn nuôi nhưng khi thay thế ngô bằng gạo, hiệu quả kinh tế giảm tới 33,2% do giá gạo cao hơn giá ngô.

Việt Nam cũng có một số sản phẩm, phụ phẩm từ quá trình chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm (mỡ cá, bột cá…) làm TACN, nhưng số lượng không đáng kể. Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung vitamin, axit amin, Việt Nam phải nhập khẩu tới 80%.

Triển vọng thị trường vẫn khả quan

Nhiều dự báo cho rằng thị trường nguyên liệu TACN quốc tế trong năm 2023 sẽ không cải thiện quá nhiều so với hiện tại. Tuy nhiên, đối với thị trường trong nước, 40% số doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát nhận định triển vọng ngành TACN năm 2023 tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút và có tốc độ tăng trưởng cao trong 5 năm tới. Trong đó, phân khúc thức ăn gia súc dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với sự gia tăng trong chăn nuôi gia súc và thay đổi mô hình ăn uống trong nước.

Công nghiệp hóa đã dẫn đến sự thu hẹp diện tích đất chăn thả gia súc và do đó nhu cầu về thức ăn gia súc đã tăng lên đáng kể trong những năm qua. Phân khúc TACN dành cho lợn được dự đoán sẽ dẫn đầu thị trường về doanh thu vào năm 2028.

Về nguyên liệu, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam dự báo nhu cầu nguyên liệu TACN của Việt Nam sẽ đạt khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm; trong đó hơn nửa sản lượng nguyên liệu TACN (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.

Yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường là mức tiêu thụ gia cầm và thịt gia súc của Việt Nam ngày càng tăng. Điều này đến từ mức thu nhập bình quân ngày một cải thiện, từ đó nâng cao sức mua của người dân.

Thêm vào đó, sự hồi phục và phát triển của ngành du lịch và khách sạn dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường TACN Việt Nam trong giai đoạn tới. Ngoài ra, tỷ lệ hộ chăn nuôi chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo quy mô trang trại ngày càng tăng được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội tăng trưởng trên thị trường TACN trong những năm tới.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý giá TACN thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp do căng thẳng giữa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Giá nguyên liệu TACN tiếp tục bị ảnh hưởng vì Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu.

Trước những thách thức này, các doanh nghiệp TACN đang nỗ lực củng cố nội lực bằng việc thiết lập định hướng chiến lược tương lai như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp; tốc độ ứng phó và thích nghi nhanh của doanh nghiệp; tăng cường nghiên cứu phát triển sản phẩm; tích cực đầu tư đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình vận hành…

Ngày 14/12, Vietnam Report chính thức công bố Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2022 với vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng thuộc về Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Thế giới biến động ảnh hưởng đến thị trường ngành thức ăn chăn nuôi