Nghiên cứu kinh nghiệm doanh nghiệp Singapore phục hồi sau đại dịch

(BKTO) - Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNN) do Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng làm Trưởng đoàn vừa làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Singapore để nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm phục hồi doanh nghiệp sau dịch Covid-19.

Trong đó, tại buổi làm việc với Tập đoàn Temasek, Ủy ban QLVNN đã tìm hiểu về mối tương quan giữa hoạt động mang tính chất thương mại của Temasek gắn với thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ Singapore giao.

02.jpg
Đoàn công tác và các đại diện của Temasek tham gia buổi làm việc. Ảnh: CMSC

Cụ thể, đoàn công tác của Ủy ban QLVNN đã trao đổi về kinh nghiệm tiếp cận cũng như thảo luận, phân tích về phương thức Temasek thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp có vốn nhà nước phục hồi sau Covid-19, như về phương thức đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp, đánh giá khả năng thu hồi vốn đầu tư, phân tích cơ cấu hỗ trợ vốn tốt nhất cho doanh nghiệp…

Đại diện Temasek khẳng định, mọi hoạt động của Temasek cho dù trong giai đoạn khó khăn vẫn duy nhất phản ánh tính thương mại, tính kinh doanh và đầu tư vì hiệu quả kinh tế. Điểm khác biệt là Temasek luôn nhìn nhận đầu tư theo dài hạn, phân tích hiệu quả và kết quả thu được trong chu kỳ dài hạn.

Theo đó, Temasek phân loại đầu tư có tính chất phát triển là đầu tư dài hạn, không nhằm mục tiêu thoái vốn, mà duy trì và phát triển, trong đó có những lúc phải đối mặt và vượt qua những thời điểm khó khăn. Đối với những danh mục đầu tư không mang tính chất phát triển thì Temasek củng cố và lựa chọn thời điểm để thoái vốn đạt kết quả tốt nhất.

Trong quá trình hoạt động, Temasek có những quyết định đầu tư, cơ cấu lại danh mục đầu tư phù hợp với định hướng của Chính phủ Singapore, nhưng những hoạt động đó vẫn là do Temasek độc lập quyết định và hoàn toàn vì mục đích thương mại.

Chẳng hạn như trường hợp Temasek đầu tư bổ sung thêm vốn cho Hãng hàng không quốc gia Singapore (Singapore Airlines) trong giai đoạn Covid-19 hoàn toàn do Temasek và các cổ đông khác quyết định và thực hiện.

Nhờ được bổ sung thêm hơn 15 tỷ đô la Singapore đã giúp Singapore Airlines có dòng tiền để duy trì đội ngũ hoạt động, thậm chí còn tăng thêm sức cạnh tranh thông qua việc cơ cấu lại đội tàu bay.

Vì thế, năm 2022, Singapore Airlines đã bắt đầu có lãi, còn lớn hơn giai đoạn bình thường trước đây, hoàn trả được hơn 4 tỷ đô la Singapore trái phiếu chuyển đổi.

Đó là kết quả của quá trình nỗ lực từ bản thân Singapore Airlines và đã minh chứng là danh mục đầu tư phát triển tốt, đáng tin cậy. Quyết định đầu tư bổ sung thêm vốn giai đoạn Covid-19 của các cổ đông là kịp thời, đảm bảo được tài sản đã đầu tư và duy trì phát triển của Singapore Airlines.

Nội dung quan trọng hơn là phải xác định rõ các bước, lộ trình sử dụng vốn và huy động vốn tương ứng cho phù hợp. Đây mới là điểm quyết định cho sự thành công cho Singapore Airlines vượt qua thời điểm khó khăn.

Tương tự, các hoạt động đầu tư khác của Temasek cũng được thực hiện với cách tiếp cận độc lập hoàn toàn trong việc ra quyết định theo mục tiêu thương mại và dài hạn.

Phó Chủ tịch Ủy ban QLVNN Hồ Sỹ Hùng đánh giá cao cơ chế tiếp cận của Temasek, coi đây là những kinh nghiệm rất có giá trị cho Việt Nam nghiên cứu áp dụng theo điều kiện cụ thể.

Trước đó, Đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với Singapore Airlines để tìm hiểu về khoản hỗ trợ của Chính phủ Singapore cũng như vai trò của các cổ đông trong việc giúp hãng hàng không này phục hồi sau Covid-19.

Đại diện Singapore Airlines chia sẻ, trong giai đoạn 2020-2022, hệ lụy từ đại dịch Covid-19 đã khiến gần như toàn bộ nền kinh tế đóng cửa, hệ thống giao thông dừng vận hành; doanh thu của Singapore Airlines giảm tới 95%, lỗ khoảng 5,6 tỷ đô la Singapore.

Tuy nhiên, quyết tâm của Chính phủ Singapore là phải bằng mọi cách để Singapore Airlines tiếp tục hoạt động. Singapore Airlines đã từng bước thực hiện các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm huy động vốn, cắt giảm chi phí, phát triển bền vững để vượt qua khủng hoảng và phục hồi sau đại dịch.

Theo đó, Singapore Airlines đã được hỗ trợ 9,7 tỷ đô la Singapore thông qua trái phiếu chuyển đổi bảo lãnh bởi Temasek và huy động được 15,6 tỷ đô la Singapore từ các nhà cổ đông chiến lược. Trên cơ sở đó, Singapore Airlines tiếp tục huy động vốn từ các nguồn truyền thống (như ngân hàng) để cân đối tài chính.

Singapore Airlines cũng đã áp dụng linh hoạt quản lý chi phí theo nhiều cách khác nhau như giảm chi phí vận hành, bao gồm việc cắt giảm khoảng 20% số lượng tiếp viên hàng không, giảm 5% phi công và đồng loạt giảm lương của toàn bộ nhân sự.

Đồng thời dừng tiếp nhận tàu bay mới, cho hết hạn sớm tàu cũ, dự báo và chuẩn bị sẵn sàng có thể phục vụ ngay khi thị trường có nhu cầu trở lại, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hoá. Nhờ vậy, đến nay, về cơ bản Singapore Airlines đã phục hồi, doanh thu đạt tương đương thời điểm trước Covid và lãi khoảng 1 tỷ đô la Singapore trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, Singapore Airlines đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn hiện tại và tương lai như sự quay lại và cạnh tranh giữa các hãng bay, giá dầu thế giới tăng cao, lạm phát, chủng virus biến đổi nhanh, bất ổn trên thế giới…

Trao đổi với đại diện Singapore Airlines, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng và Đoàn công tác của CSMC bày tỏ ấn tượng về những kết quả hoạt động của Singapore Airlines và các giải pháp giúp hãng vượt qua và phục hồi sau dịch Covid-19.

"Việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm có thể giúp Việt Nam vận dụng đối với Vietnam Airlines. Các cổ đông của Vietnam Airlines cũng có thể xem xét trong việc tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu tổ chức hoạt động của Vietnam Airlines cho phù hợp với tình hình mới".

Phó Chủ tịch Ủy ban QLVNN Hồ Sỹ Hùng

Riêng Vietnam Airlines có thể nghiên cứu hoạch định kế hoạch sản xuất để đa dạng hoá các nguồn tài chính, đa dạng hoá hoạt động nhằm có thêm các nguồn thu khác bên cạnh nguồn thu từ vận chuyển hành khách.

Cùng chuyên mục
Nghiên cứu kinh nghiệm doanh nghiệp Singapore phục hồi sau đại dịch