Thế giới ghi nhận gần 290 nghìn người tử vong vì Covid-19

(BKTO) - Theo Worldometers, tính đến 5 giờ 30 sáng 12/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 4.244.580 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid -19, trong đó 286.603 ca tử vong, 1.521.879 ca hồi phục. Dịch bệnh hiện đã lan ra 214 quốc gia và vùng lãnh thổ.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn Reuters

   

286.603 ca tử vong trên toàn thế giới

Trong đó, số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ đã vượt quá 80.000 người, chiếm hơn 1/3 số ca tử vong trên toàn Thế giới.

Dữ liệu cập nhật từ Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Hệ thống (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins cho thấy, tính đến 3 giờ 30 sáng 12/5 theo giờ Hà Nội, tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ đã lên đến 80.087 người.

Cũng theo CSSE, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận ở Mỹ là 1.344.512 người. New York - bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 - đã thông báo về 337.055 ca nhiễm bệnh, trong đó có 26.682 người tử vong.

Châu Âu vẫn tiếp tục là “điểm nóng” về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới. Hiện, Tây Ban Nha là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi ghi nhận 268.143 ca nhiễm và 26.744 ca tử vong. Tiếp theo sau là Anh, Nga, Italy, Pháp, Đức… với số ca nhiễm Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại lần lượt là 223.060; 221.344; 219.814; 177.423; 172.576 trường hợp.

Tính đến tối 11/5 (theo giờ địa phương), số ca tử vong vì Covid-19 ở Pháp đã lên đến 26.643 người - tăng 263 ca so với hôm 10/5, trong đó có 16.820 ca tử vong trong các bệnh viện và 9.823 ca tử vong tại các viện dưỡng lão và các cơ sở y tế khác.

Nước Pháp hiện ghi nhận 22.284 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viện (giảm 285 ca so với 1 ngày trước đó), trong đó có 2.712 người thuộc diện chăm sóc đặc biệt (giảm 64 ca). Như vậy, sức ép lên khoa hồi sức tích cực tại các bệnh viện ở Pháp tiếp tục giảm xuống suốt hơn một tháng qua. Bên cạnh đó, 56.724 bệnh nhân Covid-19 ở Pháp đã khỏi bệnh và ra viện.

Cùng ngày, Hội đồng Hiến pháp Pháp đã phê chuẩn văn bản luật về vấn đề gia hạn tình trạng y tế khẩn cấp, được Nghị viện Pháp thông qua hôm 9/5.Tuy nhiên, liên quan đến việc xử lý dữ liệu y tế cá nhân phục vụ mục đích truy vết Covid-19, Hội đồng đã quyết định siết chặt kiểm soát nhằm hạn chế số người có thể truy cập dữ liệu này.

Tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ngày 11/5 ông sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể để nền kinh tế vận hành trở lại sau khi các nỗ lực của ông nhằm đưa kinh tế thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa do dịch Covid-19 đã gây ra sự phản đối của các đảng đối lập và nhiều người dân trên khắp nước Anh.

Theo ông Johnson, kể từ ngày 13/5 tới, người dân Anh sẽ được phép luyện tập thể dục thể thao nhiều hơn, còn một số công nhân có thể trở lại làm việc trong các dây chuyền sản xuất, trong khi một số trẻ em có thể trở lại trường học vào đầu tháng 6 tới.

Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải vạch ra kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong bối cảnh nước này đã chứng kiến hơn 32.000 người tử vong vì Covid-19 - mức cao nhất châu Âu và thứ 2 thế giới.

Ngày 11/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ ra lệnh phong tỏa các thành phố lớn, trong đó có Istanbul và Ankara, trong 4 ngày kể từ ngày 16/5.

Biện pháp trên đã được công bố trong một phiên họp nội các hàng tuần nhằm phòng ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 trước các hoạt động chúc mừng ngày 19/5, khi người dân Thổ Nhĩ Kỳ tưởng nhớ người sáng lập đất nước - ông Mustafa Kemal Ataturk, và đánh dấu Ngày Thanh niên và Thể thao.

Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu triển khai các giải pháp dần đưa cuộc sống trở lại bình thường, song ông cũng cảnh báo rằng mọi thứ sẽ không giống như trước đây.

Cùng ngày, các trung tâm thương mại, cửa hàng cắt tóc và tiệm làm tóc tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được phép mở cửa trở lại. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng, ngành du lịch trong nước có thể mở cửa trở lại vào tháng 6 sau kỳ nghỉ lễ Eid, và sau tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.

Thổ Nhĩ Kỳ đến nay đã ghi nhận 3.841 trường hợp tử vong do virus SARV-CoV-2 và gần 140.000 ca mắc Covid-19.

Ngày 11/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết đang xem xét dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng trong 7 tuần qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này vừa ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 theo ngày ở mức cao kỷ lục.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các thủ hiến bang, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định chính phủ liên bang sẽ xem xét "dỡ bỏ từng bước" lệnh phong tỏa, vốn đã 3 lần được kéo dài cho đến ngày 17/5.

Ông Modi nói: "Chúng ta có một thách thức kép, đó là giảm tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh và tăng dần hoạt động công cộng. Nhưng ngay cả khi chính phủ đang xem xét dỡ bỏ lệnh phong tỏa, trước khi có được vaccine hoặc một giải pháp, thì vũ khí lớn nhất để chống virus là giãn cách xã hội."

Trong ngày 11/5, Ấn Độ đã ghi nhận 4.214 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, mức cao kỷ lục theo ngày, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở quốc gia Nam Á này lên 67.152 người, trong đó có 2.206 ca tử vong.

Tính đến nay, châu Phi ghi nhận có 67.160 ca lây nhiễm, trong đó 2.342 ca tử vong. Ngày 11/5, châu lục này cũng có thêm 2.417 ca nhiễm mới và 41 ca tử vong. Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất châu lục với 10.652 ca lây nhiễm và 206 ca tử vong. Ai Cập, Morocco, Algeria, Ghana, Nigeria… lần lượt là quốc gia ghi nhận số ca lây nhiễm nhiều nhất tại “Lục Địa Đen” sau Nam Phi.

Châu Đại dương đến nay ghi nhận có 8.549 ca nhiễm bệnh, trong đó 118 trường hợp tử vong. Australia vẫn là quốc gia chịu nhiều tác động nhất do dịch bệnh khi số ca lây nhiễm tại nước này lên tới 6.948 ca, trong đó 97 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tiếp tục cho thấy tín hiệu khả quan tại một số quốc gia Đông Nam Á. Ngày 11/5, Việt Nam, Lào, Campuchia, Brunei, Myanmar không ghi nhận ca mắc mới nào. Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia vẫn tiếp tục gia tăng. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Indonesia trong 24 giờ qua tăng cao nhất khu vực với 18 ca, trong đó số ca lây nhiễm đã lên tới 14.265 trường hợp.

Việt Nam chỉ còn 20 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2

Bản tin lúc 6h00 ngày 12/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đến nay đã 26 ngày Việt Nam không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng.

Hiện tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta vẫn là 288 trường hợp, trong đó có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tính đến sáng nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.929, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 329; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.432; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 5.168.
                
   

Nguồn: Bộ Y Tế

   

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 249 bệnh nhân Covid-19 tại nước ta được công bố khỏi bệnh/xuất viện, chiếm 86% tổng số ca đang điều trị.

Hiện còn 39 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.

Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại 6 cơ sở y tế, hiện đã có 8 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 11 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn lại 20 bệnh nhân Covid-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
AN CHI (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Hậu quả nợ công từ Covid-19
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Theo thống kê các nền kinh tế mới nổi đang sở hữu khối nợ hơn 8.400 tỷ USD bằng các loại ngoại tệ. Điều này đang dấy lên một hồi chuông cảnh báo về tình hình nợ công rất đáng lo ngại của các quốc gia này giữa những tác động khủng khiếp của "cơn bão" Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu.
  • Năm 2070, hàng tỷ người phải sống ở những nơi quá nóng để có thể tồn tại
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Trái đất đang ngày càng nóng lên qua từng năm, kéo theo vô vàn các hậu quả khắc nghiệt. Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ thì trong vòng 50 năm tới nếu cứ duy trì tốc độ tăng nhiệt như hiện nay, sẽ có ít nhất 3 tỉ người phải sống ở những nơi quá nóng để có thể tồn tại.
  • Thiệt hại hàng tỷ đô mỗi tuần vì Covid-19
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Tác động của dịch Covid-19 đang đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia vào cuộc suy thoái kỷ lục khi buộc phải áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với những dịch vụ không thiết yếu.
  • Con đường bất ổn
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế của 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc rơi vào tình trạng gần như ngưng trệ. Nhiều chuyên gia dự báo chặng đường khôi phục kinh tế của 2 quốc gia này sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn.
Thế giới ghi nhận gần 290 nghìn người tử vong vì Covid-19