Dù một vụ vỡ nợ kỹ thuật cũng sẽ là thảm họa
Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) mới đây tại Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner bày tỏ hy vọng giới chức Mỹ sẽ đi đến một quyết định "đúng đắn” về các cuộc đàm phán nâng trần nợ liên bang.
Những bế tắc tương tự đã diễn ra trong nhiều năm gần đây, thường kết thúc bằng một sự thỏa hiệp và từng dẫn đến việc mức độ tín nhiệm của Mỹ bị hạ thấp kỷ lục vào năm 2011. Tuy nhiên, không phải là Mỹ đang vật lộn để vay thêm tiền với lãi suất cạnh tranh trên thị trường, mà đơn giản là việc vay thêm tiền phải được cho phép, trong trường hợp này là Hạ viện do đảng Cộng hòa đứng đầu.
Ông cũng cảnh báo rằng sẽ có rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu nếu họ không hành động như vậy. Theo ông Christian Lindner, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và ông hy vọng rằng những nước đang gặp khó khăn sẽ không bị ảnh hưởng từ những ưu tiên ngắn hạn hoặc quan điểm bè phái.
Bộ trưởng Tài chính Đức, Mỹ và một số bộ trưởng khác đã nhiều lần cảnh báo rằng ngay cả một vụ vỡ nợ kỹ thuật, nếu xảy ra cũng có thể là thảm họa. Người đứng đầu Bộ Tài chính Đức cho rằng trường hợp này sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế cũng như sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda cũng khẳng định vỡ nợ tại Mỹ, nếu xảy ra sẽ trở thành một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, và chỉ riêng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng không thể đảo ngược lại được tình thế.
Phát biểu với báo giới trước đó, Giám đốc truyền thông của IMF, bà Julie Kozack, nhận định hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng không chỉ đối với kinh tế Mỹ mà còn với toàn cầu nếu nước này vỡ nợ, khuyến khích tất cả các bên nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc.
IMF cảnh báo về nguy cơ chi phí vay mượn tăng, bất ổn tài chính toàn cầu và những tác động về kinh tế nếu Mỹ vỡ nợ. Bà Kozack nói thế giới đã hứng chịu nhiều cú sốc trong những năm qua và cần tránh những tác động nghiêm trọng này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nhiều lần nhấn mạnh một vụ vỡ nợ thực sự là không thể tưởng tượng được. Bà nói: “Nước Mỹ không bao giờ nên để xảy ra vỡ nợ vì điều đó là một thảm họa.”
Tổng thống Mỹ tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận
Ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông vẫn “lạc quan” tìm kiếm thỏa thuận về vấn đề trần nợ công với đảng Cộng hòa, qua đó ngăn chặn khủng hoảng nợ công và nhiều hệ lụy đến kinh tế trong nước cũng như toàn cầu.
Trong thời gian qua, đàm phán giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ về việc nâng trần nợ công liên tục rơi vào bế tắc. Trong khi Tổng thống Joe Biden mong muốn nâng trần nợ vô điều kiện thì các nghị sỹ đảng Cộng hòa lại yêu cầu cắt giảm chi tiêu công nêu muốn nâng trần nợ liên bang hiện ở mức kỷ lục 31.400 tỷ USD.
Trả lời kênh truyền hình FOX News ngày 14/5, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Byron Donalds cho biết đã đến lúc đưa chi tiêu trở lại thời kỳ trước đại dịch COVID-19 sau đó mới có thể nói về tăng trần nợ công. Bình luận trên mạng xã hội, cựu Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng đảng Cộng hòa “không nhượng bộ” trừ khi đảng Dân chủ chấp nhận cắt giảm ngân sách chi tiêu công.
Tuy nhiên, ngày 14/5, trả lời với truyền thông, Tổng thống Biden tin tưởng cuối cùng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận. Ông cho rằng cả ông và đảng Cộng hòa đều mong muốn đi đến một thỏa thuận chung.
Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo, cho biết thêm các cuộc đàm phán "mang tính xây dựng" về nợ công đang diễn ra ở cấp chuyên viên, đồng thời bác bỏ các cáo buộc chính quyền ông Biden không muốn giải quyết khoản nợ công khổng lồ của nước Mỹ.
Ông cho biết Tổng thống Mỹ đã vạch ra một kế hoạch trị giá 3.000 tỷ USD nhằm xóa nợ trong 10 năm, bao gồm lộ trình tăng thuế người giàu và nhiều doanh nghiệp.
Trước đó, cuộc họp về trần nợ công giữa Tổng thống Joe Biden và các đại diện cấp cao của đảng Cộng hòa, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, dự kiến diễn ra ngày 12/5 đã phải hoãn lại để tạo điều kiện cho đội ngũ chuyên viên hai bên tiếp tục chuẩn bị công tác liên quan. Theo ông Biden, cuộc họp có thể diễn ra vào ngày 16/5 tới.