Thêm biện pháp kiểm soát sở hữu chéo ngân hàng

(BKTO) - Mạng nhện sở hữu chéo đã từng bước được tháo gỡ trong giai đoạn cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) 2011-2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn còn tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các TCTD khác vượt mức cho phép. Bởi vậy, kiểm soát sở hữu chéo vẫn là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước đặt ra khi các ngân hàng bước vào giai đoạn II của quá trình tái cơ cấu.



Một số ngân hàng vẫnnắm giữ cổ phần vượt mức cho phép

Trong các hội nghị, hội thảo về xử lý nợ xấu và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thẳng thắn thừa nhận, sau 4 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo có giảm nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Một số ngân hàng vẫn nắm giữ cổ phần tại nhiều TCTD khác với tỷ lệ sở hữu cao.

Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 (Thông tư 36), một ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác (trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó), đồng thời lượng cổ phần được nắm giữ tối đa này phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó. Tuy nhiên, sau gần 2 năm rưỡi Thông tư 36 có hiệu lực, nhiều ngân hàng vẫn chưa thể hoàn thành thoái vốn tại các TCTD khác.

Cụ thể hơn, tính đến giữa tháng 7, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương vẫn nắm giữ cổ phần tại 5 TCTD với tỷ lệ sở hữu như sau: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (4,3%), Ngân hàng TMCP Phương Đông (trên 5%), Ngân hàng TMCP Quân đội (7,2%), Ngân hàng TMCP Xuất - nhập khẩu (8,2%) và Công ty Tài chính Cổ phần xi măng (10,9%).

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) dù đã tìm cách để thoái vốn khỏi các TCTD khác nhưng hiện tại, ngân hàng này vẫn đang sở hữu cổ phần tại 3 TCTD, gồm: Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của MSB tại PVcomBank và MB đều ở mức dưới 5%, còn tại PGBank vẫn ở mức gần 10%.

Tiếp đến, Ngân hàng TMCP Xuất - nhập khẩu đang sở hữu 8,8% vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và chưa thể thoái vốn do Sacombank đang trong giai đoạn tái cơ cấu.

Đáng lo ngại hơn là hiện tượng nhóm cổ đông lớn thao túng, liên kết ngầm nhằm thực hiện các hoạt động cho vay, đầu tư chéo vẫn âm thầm diễn ra. Nhiều chuyên gia quan ngại, điều này có thể gây ra tình trạng vốn ảo, gia tăng sở hữu chéo, cản trở quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Kiểm soát chặt việcmua bán, chuyển nhượngcổ phiếu

Hệ thống ngân hàng đã bước vào giai đoạn II của quá trình tái cơ cấu với những yêu cầu cao hơn, trong đó đòi hỏi phải xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo.

Qua kiểm toán việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD” giai đoạn 2011-2015 và trong năm 2015, KTNN kiến nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần lẫn nhau, sở hữu giữa các TCTD và các DN cũng như sở hữu của các cá nhân, người có liên quan tại các TCTD theo đúng quy định của pháp luật nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và giảm sự phụ thuộc của TCTD vào nhóm cổ đông.

Gần đây, tại buổi làm việc với NHNN, đại diện Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh 6 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu NHNN giải trình và đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhất, trong đó có việc kiểm soát sở hữu chéo.

Để giải quyết tốt vấn đề sở hữu chéo, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đang được đưa ra lấy ý kiến đã bổ sung nhiều quy định. Trong đó, việc mua bán và sở hữu cổ phần được kiểm soát chặt chẽ. Các trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

Bên cạnh đó, trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, mới đây, NHNN cũng đã đưa ra Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36. Để tăng cường kiểm soát sở hữu tại các ngân hàng TMCP, hạn chế tình trạng ngân hàng lợi dụng, biến tướng việc bán cổ phần của TCTD khác theo hình thức trả chậm để hợp nhóm lợi ích, thâu tóm, kiểm soát hoạt động, Dự thảo Thông tư nghiêm cấm các ngân hàng không được đề cử người tham gia Hội đồng quản trị tại TCTD mà ngân hàng đã mua, nắm giữ cổ phiếu. Việc này chỉ được loại trừ trong trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN.

Việc sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý trên được kỳ vọng sẽ giúp cho NHNN có thêm cơ sở và công cụ để tăng cường kiểm soát sở hữu tại các ngân hàng, ngăn chặn, giảm tình trạng sở hữu chéo, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu các TCTD trong thời gian tới.

NGỌC MAI
Theo Tuần Báo số ra ngày 31-8-2017
Cùng chuyên mục
  • Hàng loạt doanh nghiệp  sẽ được giảm thuế
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang chủ trì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thuế Thu nhập cá nhân và Thuế Tài nguyên. Trong 5 luật thuế dự kiến được sửa đổi đồng bộ tới đây, những nội dung sửa đổi tại Luật Thuế TNDN có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ, định hướng DN nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển ổn định hơn, giảm rủi ro tài chính…
  • Sửa đổi 5 luật thuế dưới góc nhìn chuyên gia
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Luậtsửa đổi, bổ sung 5 luật thuế đang được Bộ Tài chính đưa ra lấyýkiến và đã nhậnđược khá nhiều phản hồi. Dưới đây là mộtsố ý kiến từ chuyên gia, vớinhững góc nhìn và sự phân tích khá cụthể, giúp bạn đọc có thể đánh giá sáthơn các dựkiến sửa đổi, bổ sung về thuế.
  • Đảm bảo an toàn thông tin  trong hoạt động ngân hàng
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Vài năm trở lại đây, các cuộc tấn công mạng nhằm vào thẻ thanh toán liên tục xảy ra, làm thất thoát tài sản của tổ chức tín dụng và khách hàng, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín cũng như an toàn của cả hệ thống. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống ngân hàng phải tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.
  • Vì sao phải cơ cấu lại nguồn thu NSNN?
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế Thu nhập DN, Thuế Thu nhập cá nhân và Thuế Tài nguyên để trình Chính phủ trong tháng 9 tới. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung các luật này là nhằm cơ cấu lại nguồn thu NSNN.
  • Điều hành chính sách tiền tệ:  Trách nhiệm và thách thức
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nửa đầu năm 2017, GDP chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát trung bình đã trên 4%. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,7%. Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ đã đặt ra cho các Bộ, ngành nhiều nhiệm vụ, trong đó phải kể đến những trọng trách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thêm biện pháp kiểm soát sở hữu chéo ngân hàng