Vì sao phải cơ cấu lại nguồn thu NSNN?

(BKTO) - Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế Thu nhập DN, Thuế Thu nhập cá nhân và Thuế Tài nguyên để trình Chính phủ trong tháng 9 tới. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung các luật này là nhằm cơ cấu lại nguồn thu NSNN.



Thu NSNN còn nhiều hạn chế

Nhìn lại kết quả thu, chi NSNN trong những năm qua, có thể thấy nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực. Mặc dù năm nào thu NSNN cũng tăng hơn so với năm trước nhưng chưa bao giờ thu đủ bù chi, thậm chí bội chi còn ở mức cao. Trong nửa đầu năm 2017, bội chi ngân sách được đánh giá là thấp nhất so với nhiều năm trở lại đây nhưng vẫn ở mức 32,5 nghìn tỷ đồng.

Hơn nữa, quy mô thu NSNN so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) đang có xu hướng giảm đi. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, nếu giai đoạn 2006-2010, tỷ trọng thu NSNN/GDP của Việt Nam là 28,4% thì giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ này ở vào khoảng 23,3% GDP, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí tương đương 20,9% GDP. Nếu loại trừ thu từ dầu thô và thu tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí vào khoảng 15,6% GDP. Tỷ lệ này không cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều dẫn chứng cho thấy thu NSNN vẫn còn những hạn chế như: cơ cấu thu chưa hợp lý, thiếu bền vững; một số khoản thu không đạt dự toán giao; nợ đọng và thất thu thuế còn lớn… Đơn cử, kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015 mà KTNN công bố vào cuối tháng 7/2017 đã chỉ rõ: bên cạnh những khoản thu đạt và vượt dự toán, vẫn còn 2 khoản thu không đạt chỉ tiêu là thu từ dầu thô (72,6% dự toán) và thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (99% dự toán).

Bên cạnh đó, KTNN còn cho biết, 21/46 địa phương được kiểm toán khi lập dự toán gửi Bộ Tài chính đã ước thực hiện thu năm 2014 thấp so với khả năng thực hiện; 12/46 địa phương dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; 6/46 địa phương không lập dự toán một số khoản thu để lại đơn vị quản lý qua ngân sách; 3/46 địa phương HĐND giao dự toán thu nội địa trừ dầu thô cao hơn dự toán do Trung ương giao nhưng khi thực hiện lại hụt thu so với dự toán HĐND giao.

Cùng với đó, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí vẫn diễn ra khá phổ biến tại các DN, đơn vị được kiểm toán. Điều này dẫn đến việc tính thiếu Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN. Qua kiểm toán, KTNN xác định số tiền phải nộp NSNN tăng thêm 11.364 tỷ đồng. Ngoài ra, mặc dù năm 2015, tỷ trọng nợ thuế so với thu nội địa (trừ dầu thô) có giảm nhưng vẫn tiếp tục tăng về quy mô qua các năm. 40/63 địa phương có nợ thuế cuối năm 2015 tăng so với cùng kỳ năm 2014.


Cơ cấu lại nguồn thu để đảm bảo cân đối NSNN

Những hạn chế trên đã đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại nguồn thu để đảm bảo cân đối NSNN, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, ngày 09/11/2016, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu từng bước cơ cấu lại thu NSNN dựa trên việc sửa đổi chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế.

Ngay sau đó, ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW (Nghị quyết 07) với mục tiêu cơ cấu lại NSNN nhằm bảo đảm an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết 07 yêu cầu tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng.

Triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 19/6/2017, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 07. Theo đó, đến năm 2020, một số chỉ tiêu cơ bản phải đạt được để đảm bảo cơ cấu lại nguồn thu. Cụ thể, tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 20-21% GDP; tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011-2015, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 84-85%, thu dầu thô và thu xuất - nhập khẩu khoảng 14-16%; tỷ trọng thu ngân sách trung ương từ 60 - 65%.

Như vậy, cơ cấu lại nguồn thu NSNN không chỉ xuất phát từ thực tế công tác quản lý thu ngân sách còn nhiều hạn chế mà còn là yêu cầu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Bởi vậy, theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế lần này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo tăng trưởng nguồn thu NSNN trong trung và dài hạn, nuôi dưỡng nguồn thu trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu giảm do Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế...

NGỌC MAI
Theo Tuần Báo ra ngày 24-8-2017
Cùng chuyên mục
  • Điều hành chính sách tiền tệ:  Trách nhiệm và thách thức
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nửa đầu năm 2017, GDP chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát trung bình đã trên 4%. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,7%. Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ đã đặt ra cho các Bộ, ngành nhiều nhiệm vụ, trong đó phải kể đến những trọng trách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
  • Vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nghịch lý và nút thắt
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN)và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho DNnhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nhưng trên thực tế, nhiều nghịch lý và nútthắt vẫn đang hiện hữu, khiến những DN này tiếp tục gặp khó trong việc vay vốnngân hàng.
  • Để chính sách tài chính - tiền tệ  thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tại Hội thảo “Chính sách tài chính - tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây, các chuyên gia bình luận rằng, chính sách tài chính - tiền tệ đang đi đúng hướng nhưng độ trễ còn lớn, chậm đi vào cuộc sống. Do đó, tăng trưởng 6 tháng cuối năm được dự báo cao hơn mức tăng 5,73% của 6 tháng đầu năm, song khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm.
  • Tín dụng tăng nhanh:  Niềm vui xen lẫn nỗi lo
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nhìn vào bức tranh hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm nay, dễ nhận thấy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một điểm sáng. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, việc tín dụng tăng trưởng nhanh trong khi huy động vốn lại thấp khiến nhiều chuyên gia quan ngại về những hệ lụy có thể xảy ra đối với nền kinh tế.
  • Quy định mới về xử lý tài sản bảo đảm: kỳ vọng và băn khoăn
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Dự thảo Nghị quyếtvề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Dự thảo Nghị quyết) đang được Quốchội thảo luận và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 này. Qua hai lần thảo luận tại hội trường, những khó khăntrong xử lý tài sản bảo đảm để khai thông nợ xấu được nhiều đại biểu nêu lênvới hy vọng Dự thảo Nghị quyết sẽ có những quyđịnh mới hiệu quả hơn cho tiến trình khai thông tiền tệ.
Vì sao phải cơ cấu lại nguồn thu NSNN?