Theo dõi sau kiểm toán giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình

(BKTO) - Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi, kiểm tra sau kiểm toán, đại diện KTNN Việt Nam nêu rõ, giá trị cốt lõi của KTNN là “Minh bạch, chất lượng, hiệu quả, không ngừng gia tăng giá trị”. Theo đó, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán thể hiện tính hiệu lực kiến nghị, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Giá trị của báo cáo kiểm toán chỉ thực sự phát huy khi kết luận, kiến nghị kiểm toán hợp pháp, hợp lý và được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Vì vậy, cần phải thực hiện theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.




KTNN luôn coi trọng công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Ảnh: H.Thành

Các cơ quan kiểm toán đều theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị

Theo KTNN Latvia, mục đích chính của việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, những yêu cầu của cơ quan kiểm toán tối cao theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế do Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao ban hành (ISSAI) là để đảm bảo lợi ích cho các công dân. Chia sẻ rằng lợi ích mà cuộc kiểm toán mang lại không nằm ở bản thân kiến nghị mà nằm ở việc thực hiện kiến nghị một cách hiệu quả, đại diện Tòa Thẩm kế Bồ Đào Nha cho biết, tất cả các kiến nghị đều cần được theo dõi, tuy nhiên một số kiến nghị liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng hoặc vi phạm rõ ràng thì cần phải quan tâm đặc biệt. Những kiến nghị được thực hiện đã góp phần cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý tài chính công.

Theo ông Sébastien Lepers (Tòa Thẩm kế Pháp), tuy Pháp không có quy định pháp lý nào bắt buộc phải thực hiện kiến nghị kiểm toán nhưng đơn vị được kiểm toán cần phải thực hiện bởi Tòa Thẩm kế đã trao đổi nội dung kiến nghị với đơn vị và thẩm quyền của Tòa Thẩm kế, cũng như những ấn phẩm do Tòa Thẩm kế phát hành là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện kiến nghị. Bên cạnh đó, do pháp luật quy định Tòa Thẩm kế và đơn vị được kiểm toán phải báo cáo về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán nên Tòa Thẩm kế cũng đề ra thời hạn hoàn thành việc thực hiện kiến nghị và phân loại các kiến nghị theo khung thời gian cụ thể.

Đề cập đến những căn cứ để KTNN Việt Nam thực hiện theo dõi sau kiểm toán, đại diện KTNN cho biết, cùng với việc tuân thủ những nguyên tắc của Chuẩn mực KTNN số 100, 200, 300, 400, KTNN còn dựa vào cơ sở pháp lý được quy định rõ trong Luật KTNN. Nguyên tắc chung là việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN được tiến hành thường xuyên, định kỳ, đột xuất. Nguyên tắc lựa chọn đơn vị kiểm tra là đơn vị không có báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định; đơn vị báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thiếu các bằng chứng hợp pháp, hợp lệ; hoặc đơn vị có tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thấp.

         
Việc tăng cường theo dõi, kiểm tra sau kiểm toán đã góp phần nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN Việt Nam. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính trong những năm gần đây đều đạt trên 70% (năm 2015 mới đạt 64,3% nhưng năm 2016 đã tăng lên đến 75,6%; năm 2017 là 78,2% và năm 2018 là 73,1%) với giá trị thực hiện kiến nghị năm sau luôn cao hơn năm trước.
Đồng thời, Tổng Kiểm toán Nhà nước giao nhiệm vụ cho các KTNN chuyên ngành, khu vực tổ chức theo dõi đầy đủ, đôn đốc kịp thời việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; tổ chức lập kế hoạch kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán hằng năm trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt và thực hiện các cuộc kiểm tra theo kế hoạch hoặc theo yêu cầu đột xuất của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Song song với việc tổ chức tổng hợp, lập báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, các KTNN chuyên ngành, khu vực đều phải tổ chức bộ phận chuyên trách theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Vụ Tổng hợp có trách nhiệm thẩm định, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt Kế hoạch kiểm tra hằng năm; tổng hợp, theo dõi tiến độ, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch; tổ chức tổng hợp, lập, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra, kiến nghị của toàn Ngành…

Một số kinh nghiệm quốc tế về theo dõi sau kiểm toán

Với KTNN Latvia, quy trình theo dõi việc thực thi kiến nghị kiểm toán bao gồm: xác định nội dung; tài liệu hóa/ghi chép thông tin trong cơ sở dữ liệu (dù KTNN Latvia chưa thể thu thập thông tin cập nhật và toàn diện về tất cả các kiến nghị đã được thực hiện và tiến độ thực hiện những kiến nghị còn lại); theo dõi việc thực hiện, chuẩn bị bảng tổng kết về quá trình thực hiện. Thông tin về tình hình thực hiện kiến nghị thường xuyên được tải lên cơ sở dữ liệu của KTNN Latvia. Cán bộ phụ trách lĩnh vực kiểm toán và Trưởng đoàn kiểm toán sẽ đánh giá, xem xét tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán chậm nhất là vào ngày đầu tiên của quý tiếp theo. Trong vòng 10 ngày làm việc, cán bộ phụ trách của KTNN Latvia sẽ xây dựng bảng tổng kết quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán: xây dựng vào thời điểm kết thúc quý hiện tại đối với quý trước đó và xây dựng vào thời điểm kết thúc năm hiện tại đối với năm trước đó. Bảng tổng kết được gửi bằng định dạng bản mềm cho các KTNN chuyên ngành và trình lên Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo quy định, KTNN Lativa phải báo cáo trước Ủy ban của Quốc hội về quá trình thực hiện theo dõi sau kiểm toán. Để thực hiện nhiệm vụ này, Trưởng phòng kiểm toán theo lĩnh vực phải lập Dự thảo Báo cáo về việc thực hiện kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán trước 5 ngày làm việc so với ngày báo cáo theo quy định, trong đó, thông tin về việc thực hiện kiến nghị của cuộc kiểm toán và Dự thảo Thư của KTNN về việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Để đảm bảo các kiến nghị được theo dõi một cách chủ động, không có kiến nghị nào bị bỏ ngỏ, Tòa Thẩm kế Bồ Đào Nha luôn xác định tiến độ thực hiện các kiến nghị, đồng thời có giải pháp giúp thực hiện hiệu quả các kiến nghị nếu tiến độ thực hiện chưa phù hợp.

Ông Stephen Morffew - KTNN Vương quốc Anh (NAO) - cho rằng, một số phát hiện kiểm toán quan trọng được NAO chỉ ra trong báo cáo kiểm toán và có kiến nghị để cải thiện tình hình sẽ được NAO theo dõi, điều tra tiến độ thực hiện kiến nghị trong suốt quá trình kiểm toán năm tiếp theo tại đơn vị được kiểm toán. Hằng năm, NAO phát hành một báo cáo riêng để đưa ra ý kiến xác nhận báo cáo tài chính để giải thích về tình trạng và nguyên nhân loại bỏ một số vấn đề sau khi nội dung của vấn đề đã được giải quyết. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề phải mất vài năm để xử lý. Hoặc có những vấn đề diễn ra liên tục, tồn tại qua mỗi năm kiểm toán thì cần tiến hành kiểm tra có trọng tâm đối với những nỗ lực giải quyết vấn đề của đơn vị được kiểm toán. NAO không tư vấn cho đơn vị được kiểm toán nhưng thông qua trao đổi về phương pháp tiếp cận và các phát hiện kiểm toán, đơn vị có thể tự xây dựng phương pháp tiếp cận để giải quyết các vấn đề.
         
Thông qua cuộc kiểm toán “Nguồn lực hành chính để thực hiện các chức năng của thành phố có được sử dụng hiệu quả và tiết kiệm không” và theo dõi sau kiểm toán, KTNN Latvia đã chứng minh được tác động của các kiến nghị: bằng cách cân bằng giữa nhu cầu và sự sẵn có của các dịch vụ được cung cấp, các đô thị đã tiết kiệm ít nhất 412.498 Euro/năm; bằng cách hạch toán tập trung, tối ưu hóa các quy trình hỗ trợ khác, các đô thị đã tiết kiệm ít nhất 447.500 Euro/năm.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Theo dõi sau kiểm toán giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình