Logistics giàu tiềm năng tăng trưởng, hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản

(BKTO) - Tiềm năng phát triển của lĩnh vực logistics ở Việt Nam đã và đang được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng DN đánh giá cao, trong đó có lực đẩy đến từ việc logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản thông qua vai trò kết nối và sự tích hợp của kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, trước những vấn đề còn bất cập trong thực tiễn, cần phải có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để logistics phát triển.




Tiềm năng và vai trò kết nối của logistics trong xuất khẩu nông sản là rất lớn. Ảnh: P.Tuân

Logistics có vai trò kết nối quan trọng

Theo Báo cáo Chỉ số Hoạt động logistics (LPI) được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 7/2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu xếp hạng, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng ở Top đầu trong số các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam đạt được từ khi WB xếp hạng Chỉ số LPI trong thập niên vừa qua.

Đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, tốc độ phát triển logistics ở Việt Nam những năm gần đây luôn tăng trưởng cao, đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Cả nước có khoảng 3.000 DN vận tải và logistics hoạt động rộng khắp trên các lĩnh vực vận tải, kho bãi đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Có tới hơn 73% DN tham gia khảo sát của Vietnam Report tháng 12/2018 cho rằng, toàn ngành vận tải và logistics Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm 2019.

Nhấn mạnh logistics là mắt xích quan trọng của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, sự phát triển của ngành vận tải, logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.

Chứng minh tiềm năng và vai trò kết nối của logistics trong xuất khẩu nông sản là rất lớn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu rằng, năm 2019, dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 530 tỷ USD, trong đó, riêng hàng hoá nông sản đạt kim ngạch khoảng 41 tỷ USD...

Theo ông Nguyễn Quốc Toản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành nông nghiệp Việt Nam đang tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân số, khoảng 15% GDP và 30% giá trị xuất khẩu. Do đó, việc đầu tư logistics cho nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn là nhiệm vụ chính trị. “Chúng ta càng đầu tư nhiều lĩnh vực logistics càng làm lợi cho người nông dân và DN. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 chi phí logistics giảm xuống khoảng 16%, đóng góp của logistics vào GDP từ 8 - 10%” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Cần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả của logistics

Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại Việt Nam. Đó là chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10 - 15%) và thế giới. Đề cập đến nghịch lý này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ví dụ, 1kg thanh long xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không có chi phí logistics khoảng 3,5 USD, nếu giá bán 7 USD thì chi phí logistics đã chiếm mất 50%. Hoặc có DN đã chia sẻ chi phí vận chuyển 1kg tôm lên khu vực miền núi (trong nước) đắt hơn chuyển 1kg tôm từ Ecuador về Việt Nam.

Bên cạnh đó, kết nối hạ tầng logistics còn nhiều bất cập. Năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế. Chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hầu hết do các DN nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu. Ông Nguyễn Quốc Toản chỉ ra rằng, dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi nhiều nơi có nhu cầu lớn thì dịch vụ này lại chậm phát triển. Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải (Bộ Công Thương) cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia nhưng các chỉ số logistics lại kém, đặc biệt là khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển. Trong vùng chưa có chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hoàn chỉnh, hệ thống cảng phân tán, quy mô nhỏ lẻ, năng lực thấp, không có cảng biển, thiếu cảng container... làm tăng chi phí từ 7 đến 10 USD/tấn hàng nông sản.

Thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục những hạn chế, bất cập, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi, kết nối các phương thức vận tải, nghiên cứu phát triển các địa phương có ưu thế thành các trung tâm dịch vụ logistics lớn. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ và những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) trong lĩnh vực logistics, nghiên cứu ứng dụng sức mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics, trước hết là ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa các nguồn lực thông qua sự tái phân phối, chia sẻ và tái sử dụng năng lực dư thừa của hàng hóa và dịch vụ.

Để từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách về logistics, nhiều văn bản đã được ban hành, như: Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025; Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ logistics; Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông; Kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistics. “Với vai trò đầu mối theo dõi Chỉ số Hiệu quả logistics, Bộ Công Thương đang tích cực đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu quả logistics quốc gia” - ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Mới đây, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã được giao thêm nhiệm vụ phát triển, cải thiện chất lượng, nâng cao tính hiệu quả, khả năng đáp ứng của các dịch vụ logistics theo yêu cầu phát triển kinh tế.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn Chương trình 135
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sau những đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) sẽ tiếp tục được triển khai giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí dự kiến lên tới hơn 94.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, để Chương trình thực sự tạo đột phá trong giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, các cơ quan chức năng cần chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn của Chương trình, cũng như nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của KTNN.
  • Một số giải pháp nâng cao chất lượng  kiểm toán dự án đầu tư
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Giai đoạn gần đây, KTNN chuyên ngành IV thực hiện nhiều cuộc kiểm toán dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) bằng nguồn vốn NSNN, qua đó, đã phát hiện không ít sai phạm trong quá trình quản lý dự án và đã kiến nghị xử lý tài chính, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, hầu hết kết quả kiểm toán mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện sai phạm trong công tác dự toán, quản lý chi phí và những sai phạm nhỏ lẻ.
  • Khó khăn lớn nhất khi kiểm toán dự án ODA là sự khác biệt về cơ chế, chính sách
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Những năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm A trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông vận tải (sân bay, cảng biển, đường cao tốc, cầu lớn...) được đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều bất cập và hạn chế trong quá trình thực hiện dự án và một trong những bất cập quan trọng nhất chính là sự khác biệt giữa cơ chế, chính sách của Nhà nước Việt Nam và các quy định mang tính quốc tế của nhà tài trợ. Điều này đã khiến cho công tác kiểm toán của kiểm toán viên gặp không ít khó khăn.
  • Cần làm gì để nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư?
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thường chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi NSNN. Tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) chiếm khoảng 9,6 - 36% tổng chi. Qua kiểm toán ngân sách và một số dự án đầu tư tại 5 địa phương trên, KTNN khu vực I đã phát hiện không ít hạn chế trong lĩnh vực này.
  • Kiểm toán phương án kinh tế - tài chính tại các dự án đầu tư xây dựng
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hằng năm, Chính phủ phải chi khoảng hơn 20% dự toán ngân sách quốc gia cho hoạt động đầu tư xây dựng (ĐTXD). Trong đó, phương án kinh tế - tài chính dự án là một thông tin quan trọng đối với việc quyết định chủ trương đầu tư.
Logistics giàu tiềm năng tăng trưởng, hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản