Thị trường bất động sản duyên hải Bắc Bộ còn nhiều dư địa phát triển

(BKTO) - Khu vực duyên hải Bắc Bộ là vùng có tốc độ đô thị hóa cao, hạ tầng phát triển khá đồng bộ, đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) lớn, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS trong thời gian tới.



Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn “Bất động sản duyên hải Bắc Bộ 2022: Chuyển mình đón sóng đầu tư” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội BĐS Hải Phòng tổ chức chiều 25/4.
                
   

Quang cảnh Diễnđàn.Ảnh: Tạp chí Diễnđàn Doanh nghiệp

   

Nhiều lực đẩy hỗ trợ thị trường bất động sảnphát triển

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm gần đây, thị trường BĐS khu vực duyên hải Bắc Bộ đã, đangphát triển khá tích cực nhờ có nhiều “lực đẩy”.

Trước hết là phần lớn các địa phương trong khu vực đều có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, cùng với tốc độ đô thị hóa cao đã thu hút nhiều nhà đầu tư BĐS lớn trong và ngoài nước đến đầu tư.

Đặc biệt, trải qua hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường BĐS khu vực duyên hải Bắc Bộ vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Theo đó, ở cả 3 phân khúc: BĐS công nghiệp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và BĐS nhà ở đều có sự sôi động khác biệt với những khu vực khác trên cả nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS ngày càng hình thành những chiến lược kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp để “chuyển mình” theo xu hướng phát triển chung của thị trường.

“Niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường BĐS khu vực duyên hải Bắc Bộ liên tục được cải thiện, thể hiện bằng việc các nhà đầu tư ngày càng đầu tư nhiều dự án có quy mô lớn, tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng mục tiêu về chỉnh trang đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất” - ông Phòng nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về tiềm năng của khu vực này, ông Phạm Trung Hiếu - Trưởng đại diện Văn phòng Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Chi nhánh Quảng Ninh đánh giá, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào thị trường BĐS Việt Nam, trong đó có thị trường BĐS khu vực duyên hải Bắc Bộ tăng mạnh trong thời gian qua, đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Hơn nữa, khu vực này còn có lợi thế về giá thuê đất thấp, hạ tầng phát triển đồng bộ, nhiều địa phương trong khu vực có hệ thống giao thông phát triển đa dạng với nhiều loại hình giao thông gồm đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không như Quảng Ninh, Hải Phòng… là những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường BĐS, nhất là phân khúc BĐS công nghiệp, BĐS du lịch.

Quy hoạch tốt để thúc đẩy thị trường phát triển

Bên cạnh những lợi thế, tiềm năng, theo các chuyên gia, sự phát triển của thị trường BĐS khu vực duyên hải Bắc Bộ cũng đứng trước nhiều thách thức, chẳng hạn như quy định siết chặt tín dụng cho lĩnh vực BĐS có thể gây tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư khi quyết định “xuống tiền”; sự phát triển nóng và “sốt” giá tại nhiều địa phương qua các cuộc đấu giá đất có thể khiến nhiều nhà đầu tư nảy sinh quan ngại về việc xảy ra tình trạng “đóng băng” thị trường BĐS.

Ngoài ra, các quy định pháp luật liên quan đến việc đầu tư, kinh doanh một số sản phẩm BĐS du lịch như căn hộ khách sạn (condotel)… chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng và toàn thị trường BĐSnói chung…

Từ thực tế trên, để thúc đẩy thị trường BĐS khu vực duyên hải Bắc Bộ tiếp tục phát triển đúng hướng, tương xứng với tiềm năng của vùng, PGS,TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, về phía chính quyền các địa phương, cần tiếp tục triển khai tốt công tác quy hoạch chung, quy hoạch đô thị trên địa bàn; quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, đặc biệt là việc phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng.

Song song với đó, cần kiểm soát chặt chẽ quá trình chuyển dịch đất đai, đặc biệt là chuyển dịch đất nông nghiệp sang đất ở, để đảm bảo nguồn lực đất đai được sử dụng một cách hiệu quả.

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS của các nhà đầu tư để đảm bảo thị trường BĐS phát triển minh bạch, lành mạnh…

Về phía nhà đầu tư cần hướng đến hình thành các dự án BĐS mang tính đồng bộ, có các dịch vụ tiện ích đi kèm; tăng cường liên kết với các nhà đầu tư khác để tạo nên các chuỗi sản phẩm phong phú, đa dạng.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ xu hướng phát triển của thị trường, để lựa chọn phân khúc đầu tư, địa bàn đầu tư phù hợp với tiềm lực tài chính và chiến lược phát triểncủa doanh nghiệp…/.
DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Thị trường bất động sản duyên hải Bắc Bộ còn nhiều dư địa phát triển