Thị trường bất động sản “hút” vốn ngoại

(BKTO) - Sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường bất động sản (BĐS) là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình phục hồi của thị trường BĐS. Tuy nhiên, quá trình thu hút vốn FDI cần “sàng lọc” để nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại, góp phần hướng thị trường phát triển chuyên nghiệp, bền vững hơn.

13.jpg
Dòng vốn ngoại giúp bổ sung lượng vốn lớn cho thị trường BĐS. Ảnh minh họa

Dòng vốn ngoại tăng trưởng ấn tượng

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, dòng vốn FDI chảy vào thị trường BĐS Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực ngay từ những tháng đầu năm 2025. Cụ thể, trong quý I/2025, vốn FDI vào lĩnh vực BĐS đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 22% tổng vốn FDI đăng ký. Cùng với sự tăng trưởng về nguồn vốn, thị trường BĐS Việt Nam cũng thu hút đa dạng các đối tác đầu tư quốc tế, trong đó các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong nhóm dẫn đầu về quy mô đầu tư gồm Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS đạt 6,31 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2023. Vốn FDI thực hiện đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với năm trước.

Sự gia tăng dòng vốn FDI vào thị trường BĐS được bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam, Hội Môi giới BĐS Việt Nam - lý giải trước hết là nhờ sự cải thiện trong hệ thống pháp lý. Năm 2024, ba bộ luật mới liên quan đến lĩnh vực này là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đã đi vào thực thi với nhiều điểm mới tích cực đã tạo hành lang pháp lý minh bạch hơn, cũng như tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc của thị trường BĐS, từ đó đã tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài và kích thích họ “rót” vốn nhiều hơn vào thị trường BĐS Việt Nam.

Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS cũng được hỗ trợ bởi những yếu tố nền tảng tích cực như nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự phát triển ổn định, tăng trưởng ở mức khá cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, khiến nhu cầu vượt cung xuất hiện ở hầu hết các phân khúc như BĐS công nghiệp, nhà ở, BĐS thương mại, văn phòng, BĐS du lịch nghỉ dưỡng… Mặt khác, tiềm năng về đầu tư lĩnh vực BĐS tại Việt Nam còn khá lớn, thể hiện ở khả năng sinh lời trong lĩnh vực BĐS ở Việt Nam còn cao so với nhiều nước trong khu vực do mặt bằng giá BĐS đang thấp hơn. Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm thị trường mới với tiềm năng sinh lời cao.

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh, sự gia tăng dòng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS còn được thúc đẩy bởi sự tăng cường hoạt động mua bán, sáp nhập của các doanh nghiệp địa ốc trong nước. Cụ thể, trong bối cảnh việc huy động vốn từ kênh ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn thì việc tìm kiếm các nguồn vốn khác, trong đó có vốn FDI là một trong những xu hướng các doanh nghiệp nội đang phải hướng đến. Qua đó, việc liên doanh, liên kết giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng được đẩy mạnh hơn, dẫn đến nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS Việt Nam thông qua các hình thức mua bán, sáp nhập, góp vốn, mua cổ phần… cũng tăng lên.

“Sàng lọc” để nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại

Các chuyên gia đánh giá, sự gia tăng dòng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường phát triển. Theo đó, dòng vốn FDI đã và đang trở thành một nguồn lực tài chính quan trọng của thị trường BĐS, giúp giảm áp lực cho các kênh dẫn vốn khác. Bên cạnh việc mang lại nguồn vốn lớn, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS còn mang đến công nghệ xây dựng hiện đại và kinh nghiệm quốc tế trong đầu tư, kinh doanh, quản lý…, từ đó góp phần giúp đưa thị trường BĐS Việt Nam tiệm cận đến những chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại cũng sẽ gia tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường, từ đó tạo nên sự sàng lọc các nhà đầu tư và tạo áp lực buộc các doanh nghiệp BĐS trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó cải thiện chất lượng dự án và dịch vụ, đem lại những lợi ích, giá trị nhiều hơn cho người tiêu dùng.

Với những ý nghĩa đó, việc gia tăng thu hút dòng vốn FDI không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là bài toán lâu dài để thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp, bền vững hơn. Theo đó, để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất cần tiếp tục được cải thiện là thủ tục pháp lý và mức độ minh bạch của thị trường. Bởi lẽ, hiện nay, quá trình cấp phép, phê duyệt dự án tại Việt Nam vẫn còn nhiều bước phức tạp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường. Do đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao tính minh bạch là những giải pháp cần thiết để duy trì sức hấp dẫn của thị trường trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, trong bối cảnh chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đã được áp dụng, để Việt Nam trở thành “điểm đến” hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại, các địa phương cần đổi mới các biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến các vấn đề như thủ tục đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tuyển dụng lao động…

Đặc biệt, theo các chuyên gia, thu hút vốn FDI vào lĩnh vực BĐS không chỉ ở số lượng vốn, mà quan trọng hơn cần thu hút có chọn lọc để nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại. Bởi lẽ, trên thực tế nhìn lại việc thu hút vốn FDI vào thị trường BĐS thời gian qua có thể thấy, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn có những quan ngại, hạn chế. Chẳng hạn như tình trạng nhiều dự án trì trệ, chậm triển khai, thậm chí “đắp chiếu” nhiều năm liền, gây nên sự lãng phí tài nguyên đất đai rất lớn và ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của những nhà đầu tư chân chính; hay tình trạng nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung đầu tư vào một vài phân khúc dẫn đến chênh lệch cung - cầu lớn… Theo đó, để thu hút được dòng vốn ngoại chất lượng, các địa phương cần “sàng lọc” dòng vốn đầu tư vào thị trường, quá trình thu hút vốn ngoại cần thực hiện phù hợp với định hướng thu hút vốn FDI chất lượng cao mà Việt Nam đã đặt ra. Mặt khác, trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc thẩm định tính khả thi của dự án, cũng như hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp phát triển dự án theo xu hướng chuyển đổi xanh, có trách nhiệm đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, trì trệ để dành cơ hội cho những nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp hơn./.

Cùng chuyên mục
Thị trường bất động sản “hút” vốn ngoại