“Nắn” dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản

(BKTO) - Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, thu hút vốn FDI vào lĩnh vực BĐS không chỉ ở số lượng vốn, mà quan trọng hơn là cần nâng cao chất lượng dòng vốn và “nắn” dòng vốn này đáp ứng sự phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững của thị trường, qua đó đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

2.jpg
Nguồn vốn FDI là một nguồn lực tài chính quan trọng của thị trường BĐS. Ảnh minh hoạ: S.T

Thị trường bất động sản là “thỏi nam châm” hút dòng vốn ngoại

Trong những năm qua, dòng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, với quy mô ngày càng tăng, luôn nằm trong nhóm ngành thu hút FDI lớn nhất vào Việt Nam, dòng vốn FDI đã và đang trở thành một nguồn lực tài chính quan trọng của thị trường BĐS, giúp giảm áp lực cho các kênh dẫn vốn khác.

Không chỉ mang lại nguồn vốn lớn, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS còn mang đến công nghệ xây dựng hiện đại và kinh nghiệm quản lý quốc tế, góp phần nâng cao tiêu chuẩn thị trường. Thông qua đó, tạo áp lực cạnh tranh buộc các doanh nghiệp BĐS trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó cải thiện chất lượng dự án và dịch vụ.

Đặc biệt, theo bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam, Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dòng vốn FDI “chảy” vào lĩnh vực BĐS đã có sự mở rộng và phân bổ đồng đều hơn, không chỉ tập trung vào một số phân khúc nhất định mà đã lan tỏa ra nhiều phân khúc khác nhau, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường.

Phân tích cụ thể, bà Miền cho biết, với phân khúc nhà ở, dòng vốn FDI đã góp phần mở rộng nguồn cung nhà ở đang khan hiếm, đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng về sản phẩm BĐS phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Dòng vốn ngoại “đổ” vào phân khúc này đã tạo nên các dự án chung cư, biệt thự, khu đô thị được phát triển, quản lý với tiêu chuẩn quốc tế, thu hút không chỉ người mua trong nước mà còn cả khách hàng nước ngoài.

Với phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, các dự án khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp tại các khu vực du lịch trọng điểm trong cả nước được phát triển bởi dòng vốn FDI đã hướng tới xây dựng các dự án thân thiện môi trường, qua đó vừa góp phần nâng tầm thị trường BĐS Việt Nam vừa giúp thu hút khách du lịch quốc tế.

Với phân khúc BĐS công nghiệp, cùng với làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư BĐS công nghiệp. Nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng, trung tâm logistics đã được xây dựng với sự góp mặt của dòng vốn FDI. Theo đó, các khu công nghiệp với hạ tầng và tiện ích được cải thiện, không chỉ tạo môi trường làm việc, sinh sống tốt hơn cho người lao động, mà còn góp phần thúc đẩy các chủ đầu tư trong nước cải thiện chất lượng và quy hoạch các khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các doanh nghiệp FDI…

Ngoài ra, dòng vốn ngoại còn tạo ra các tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê hiện đại. Đặc biệt, hiện nay không chỉ tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, các nhà đầu tư ngoại đã chuyển hướng chiến lược, phát triển các dự án trung tâm thương mại quy mô lớn tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi diện mạo đô thị của các địa phương…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tổng vốn FDI (bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần) đầu tư vào thị trường BĐS đạt 6,31 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2023 và xếp thứ 2 trong nhóm lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất.

Chọn lọc để nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại

Mặc dù đánh giá cao vai trò của dòng vốn FDI đối với thị trường BĐS nói riêng và đối với sự phát triển kinh tế đất nước nói chung, song theo các chuyên gia, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đặt ra trong việc thu hút dòng vốn này.

Chẳng hạn, dòng vốn FDI đổ vào thị trường chưa có sự “sàng lọc”; một số địa phương chưa có quy hoạch phát triển BĐS phù hợp, dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả. Mặt khác, nhiều địa phương chưa có định hướng chiến lược thu hút FDI vào các phân khúc cụ thể, khiến dòng vốn FDI vẫn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nhà ở cao cấp, trong khi nhu cầu chính của thị trường là phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Điều này làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường.

Đặc biệt, theo GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều dự án còn trì trệ, chậm triển khai, thậm chí “đắp chiếu” nhiều năm liền, gây nên sự lãng phí tài nguyên đất đai rất lớn, làm xấu “bộ mặt” đô thị, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của những nhà đầu tư chân chính. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư ngoại còn sử dụng chiến lược “đầu tư ngắn hạn”, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường BĐS…

Trước thực tế đó, theo khuyến nghị của các chuyên gia, việc gia tăng thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS là một xu thế tất yếu trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hướng đến trở thành một nước phát triển, thu nhập cao trong tương lai.

Tuy nhiên, để dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước thì quá trình thu hút vốn FDI cần thực hiện phù hợp với các quy hoạch chiến lược mà Việt Nam đã đặt ra, nhất là định hướng thu hút vốn FDI chất lượng cao.

Đặc biệt, trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc chọn lọc, thẩm định tính khả thi của dự án, cũng như hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp phát triển dự án theo xu hướng chuyển đổi xanh, có trách nhiệm đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, trì trệ để dành cơ hội cho những nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp hơn…

Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, để Việt Nam trở thành “điểm đến” hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; cũng như đổi mới các biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến các vấn đề như thủ tục đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tuyển dụng lao động…/.

Cùng chuyên mục
  • Nhiều điểm mới, đột phá trong phát triển kinh tế đến năm 2030
    29 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Trước thềm Xuân mới Ất Tỵ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với Báo Kiểm toán một số định hướng lớn về phát triển kinh tế trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030 gắn với lộ trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…
  • Đột phá cải cách thể chế để nền kinh tế “cất cánh”
    29 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Thể chế vừa là nguồn lực vừa là động lực của tăng trưởng, do đó đẩy mạnh cải cách thể chế sẽ tạo ra “đường ray” thông thoáng để nền kinh tế Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, “cất cánh” bước vào kỷ nguyên mới.
  • Kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là “điểm sáng” kinh tế trên toàn cầu
    29 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Năm 2024, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự kiên cường, vững vàng “vượt gió ngược” để trở thành một trong những “điểm sáng” nổi bật trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Đây là nền tảng để các chuyên gia, tổ chức quốc tế bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng, năm 2025, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc, bứt phá, từng bước hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường.
  • Hoàn thiện thể chế về tài chính - ngân sách
    29 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) để huy động nguồn lực cho phát triển đất nước.
  • Gỡ điểm nghẽn “lệch pha” cung - cầu trên thị trường bất động sản
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam hiện đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân. Đây là “nút thắt” lớn cần có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, qua đó thúc đẩy thị trường BĐS phát triển một cách ổn định, bền vững.
“Nắn” dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản