Ảnh minh họa - Nguồn: internet. |
Nhiều tín hiệu tích cực
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên giao dịch sáng 18/3 trong bối cảnh nhu cầu trái phiếu gia tăng trên toàn cầu, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ giữ lập trường ôn hòa và thận trọng tại cuộc họp chính sách, dự kiến diễn ra trong tuần này.
Cụ thể, chứng khoán Trung Quốc đại lục bật tăng mạnh mẽ sau thời gian dài đi xuống do dịch Covid-19. Chỉ số Shenzhen Composite tăng 2,637%, còn chỉ số Shanghai Composite lên điểm 1,26%. Tại thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng nhích 0,2%.
Chứng khoán Nhật Bản phiên sáng nay tiếp tục giao dịch trong vùng tích cực khi chỉ số Nikkei 225 lên điểm 1,48%, còn Topix tăng vọt 2,83% bất chấp kim ngạch xuất khẩu tháng 2 của Nhật Bản sụt giảm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc sáng nay đã phục hồi 0,28% sau phiên trượt sâu trước đó. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) trượt 0,38%.
Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu tích cực, một số thị trường cũng chưa thể thoát khỏi đà lao dốc. Mất điểm nhiều nhất tại khu vực là chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm tới 6,43% do hầu hết các nhóm cổ phiếu nặng ký đều lao dốc. Ở một diễn biến khác, thị trường chứng khoán Philippines cũng đã chính thức đóng cửa vô thời hạn từ ngày 17/3.
VN-Idex dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp
Nối tiếp đà phục hồi cuối phiên 17/3 và diễn biến tích cực từ các thị trường khác, chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên hôm nay 18/3 cũng trong sắc xanh. Nhưng xu hướng tích cực nhanh chóng gặp áp lực. Hai lần rung lắc vào giữa phiên sáng khiến VN-Index không thể chinh phục ngưỡng 750 điểm.
Đến phiên chiều, diễn biến được đẩy nhanh hơn, nhưng là xu hướng tiêu cực. Chỉ số rơi mạnh ngay sau khi mở cửa trở lại với lệnh bán tăng cao ở nhóm bluechip. Nhiều cổ phiếu chốt phiên sáng trong sắc xanh nhưng ngay lập tức lùi về dưới tham chiếu trong phiên chiều.
Đà giảm chỉ chững lại ở vùng giá đỏ, khi lực bán không đẩy bằng mọi giá. Thị trường dần ổn định trong nửa cuối phiên chiều và phục hồi. Tuy nhiên, lực cầu thận trọng khiến đà tăng không quá nhanh.
Dù vậy, kết quả này cũng đủ giúp VN-Index dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp. Cụ thể, chốt phiên chiều 18/3, VN-Index tăng 1,88 điểm (+0,25%), lên 747,66 điểm với 229 mã tăng và 131 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 259 triệu đơn vị, giá trị 4.287 tỷ đồng, giảm 9,8% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,6 triệu đơn vị, giá trị 1.388 tỷ đồng.
HNX - Index cũng tăng 1,12 điểm lên 101,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 72,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 575,7 tỷ đồng. Số mã tăng giá là 89, trong khi số mã giảm giá là 58 và có 55 mã đứng giá.
Trong nhóm cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn lên thị trường chứng khoán) có 13 mã tăng và cũng có 13 mã giảm, 6 mã đứng ở mức giá tham chiếu.
Nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu họ Vingroup mà thị trường bớt đi gánh nặng giảm điểm. Theo đó, VIC đã đảo chiều tăng 0,6%, trong khi VRE về lại giá tham chiếu và VHM thu hẹp được đà giảm khi chỉ còn giảm 0,6%.
Bên cạnh đó, một số mã tăng rất tích cực như PLX kết phiên trong sắc tím. Cổ phiếu này phiên hôm nay đã tăng tới 7% lên mức giá trần 42.100 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, HPG cũng tăng 2,2%, MWG tăng 1,9%, REE tăng 1,3%, PNJ tăng 0,7%.
Tuy nhiên, các mã lớn như: SAB giảm 3,5%, GAS giảm 3%, SSI giảm 3,5%, NVL và VNM giảm 1% đã kìm hãm đà tăng của chỉ số. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tiêu cực với PVD giảm 6,5%, BSR giảm tới 5,8%, PVS giảm 4,5%, PVC giảm 2%, POW giảm 1%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn khá tích cực với sắc xanh lan tỏa. Các mã tăng mạnh như SHB tăng tới 5,3%, VCB tăng 2,7%, BID tăng 2,2%, VIB tăng 2%, EIB tăng 1,6%... Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, SSI và HCM sau phiên tăng trần hôm qua thì hôm nay đã giảm giá trở lại. Trong khi đó, các mã có vốn hóa nhỏ hơn lại tăng rất mạnh. Cụ thể, CTG, IVS và SBS đều tăng lên giá trần. Các mã SHS, BSI, BVS… cũng đều ở chiều tăng giá.
Điểm tiêu cực là khối ngoại vẫn bán ròng rất lớn trên toàn thị trường. Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 589 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là VHM (hơn 84,3 tỷ đồng), tiếp đến là SVC (50 tỷ đồng) và VNM (hơn 43,5 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 66,92 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là HUT (hơn 35,6 tỷ đồng), PVS (hơn 35 tỷ đồng).
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại cũng bán ròng hơn 29 tỷ đồng. Mã bị bán ròng mạnh nhất là BSR (hơn 28,3 tỷ đồng), LPB (hơn 14,4 tỷ đồng), VEA (hơn 4,4 tỷ đồng).
NAM SƠN (tổng hợp)