Năm 2022, thị trường sụt giảm mạnh cả về điểm số và thanh khoản
Mặt bằng lãi suất tăng mạnh cùng nhiều rủi ro bất ổn trên thị trường tài chính là những nguyên nhân khiến TTCK sụt giảm mạnh trong năm 2022. TTCK toàn cầu chịu tác động mạnh bởi lộ trình tăng lãi suất nhanh và mạnh cùng động thái thu hẹp chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất điều hành của một số nước lớn đã liên tục tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Trong bối cảnh thị trường thế giới suy giảm mạnh, TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế.
Tại Việt Nam, việc mặt bằng lãi suất tăng cao cùng một số biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tạo ra tâm lý chờ đợi cho nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào thị trường cổ phiếu. Năm 2022, chỉ số VN-Index giảm 33,98% và HNX-Index giảm 56,7% về điểm số. Mức sụt giảm này đã đưa TTCK Việt Nam lên Top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trong năm 2022.
Hầu hết các nhóm ngành nằm trong xu thế giảm điểm trong năm 2022. Trong đó, các nhóm ngành giảm mạnh nhất gồm: Dịch vụ tài chính (-56,19%), bất động sản (-48,98%), tài nguyên cơ bản (-48,18%), xây dựng và vật liệu (-47,42%), hóa chất (-46,91%)... Ngay cả các ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn như: Ngân hàng, bất động sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng cũng chịu mức giảm giá mạnh kể từ đầu năm đến nay.
Không chỉ điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể. Dòng tiền trong năm đã phần nào bị phân tán sang các kênh đầu tư khác trong bối cảnh thị trường bất ổn, mặt bằng lãi suất tăng cao làm giảm sự hấp dẫn của kênh chứng khoán. Dòng tiền trên thị trường đã bị hút vào các đợt phát hành tăng vốn của các doanh nghiệp niêm yết trong các năm 2020 và 2021. Quy mô margin cũng không có sự tăng trưởng khi các công ty chứng khoán khó tiếp cận vốn, tăng vốn. Bên cạnh đó, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất như: Ngân hàng và bất động sản lại vắng các câu chuyện hấp dẫn trong ngắn hạn để thu hút nhà đầu tư, từ đó cũng làm giảm quy mô giao dịch, ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường.
Thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ ổn định hơn
Bước sang năm 2023, nhiều rủi ro vẫn tồn tại với một số yếu tố bất lợi cho TTCK như: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhiều quốc gia lớn đối mặt nguy cơ suy thoái, lo ngại thị trường bất động sản có những điều chỉnh, lạm phát trong nước tăng cao. Chính sách tiền tệ vẫn chưa theo chiều hướng nới lỏng trong đầu năm khiến lợi nhuận của các ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp niêm yết nói chung sẽ tăng trưởng thấp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần thêm thời gian để cơ cấu lại, một số doanh nghiệp có khó khăn về dòng tiền cũng sẽ ảnh hưởng không tích cực tới thị trường cổ phiếu. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất ở mức cao sẽ khiến định giá của doanh nghiệp cũng bị điều chỉnh giảm.
Với những rủi ro được nhận diện, TTCK năm 2023 nhiều khả năng sẽ có diễn biến ổn định hơn năm 2022. Tuy còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ ngắn hạn, nhưng vẫn có một số yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực triển vọng thị trường năm 2023 như áp lực đồng USD tăng giá giảm bớt, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá và tiến tới có dư địa để xem xét giảm lãi suất cũng như mở room tín dụng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các yếu tố dài hạn khác như mức định giá rẻ; các yếu tố tạo kỳ vọng trong trung - dài hạn như: Việc nâng hạng thị trường, Trung Quốc bỏ chính sách Zero-Covid, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine sớm kết thúc và kỳ vọng sẽ sớm có những chính sách hỗ trợ của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Về thanh khoản thị trường, tỷ lệ giá trị giao dịch/vốn hóa hiện đã giảm về mức trung bình 8 năm, nhưng với bối cảnh xu hướng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao, thanh khoản trung bình của thị trường trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với năm 2022. Dòng vốn ngoại vào thị trường qua kênh ETF được kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm 2023. Luật Chứng khoán mới đã có hiệu lực; Hệ thống công nghệ thông tin mới của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh được đưa vào vận hành sẽ giúp triển vọng nâng hạng thị trường vào FTSE trong năm 2023 trở nên thực tế hơn. Đây là cơ sở để kỳ vọng hút thêm dòng tiền ngoại vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Khó khăn ngắn hạn nhưng cơ hội lớn đang ở phía trước nhờ mức định giá rẻ và triển vọng nâng hạng thị trường khi hệ thống giao dịch mới được đưa vào hoạt động. Mức định giá P/E của VN-Index đã về mức thấp quanh 10.x lần. Theo quan sát của chúng tôi, các vùng tạo đáy của các chu kỳ tăng trưởng lớn của VN-Index trong quá khứ thường rơi vào khoảng P/E từ 8.x-10.x lần. Như vậy, có thể xem đây là vùng định giá tương đối hấp dẫn cho dòng tiền đầu tư trung - dài hạn giải ngân. Mặc dù vậy, nhìn về triển vọng thị trường trong năm 2023, các yếu tố hỗ trợ cho đầu tư dài hạn đã xuất hiện như: Định giá hấp dẫn, tính thích ứng của nền kinh tế thế giới với những bất ổn địa chính trị hay triển vọng thị trường Việt Nam sớm được nâng hạng... Dòng tiền sẽ là yếu tố quan trọng nhất giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư vượt qua khó khăn hiện nay.
Các cơ hội đầu tư trong năm 2023 cũng xuất phát từ nhóm doanh nghiệp đã giảm sâu, có phục hồi về lợi nhuận hoặc ổn định đi ngang, doanh nghiệp có dòng tiền tốt, cơ cấu tài chính an toàn, hay các cổ phiếu có P/B thấp với giá trị tài sản chất lượng. Cụ thể, có 2 loại: Nhóm có hồi phục về lợi nhuận hoặc ổn định đi ngang như: Chứng khoán, thép, điện; nhóm chưa hồi phục về kết quả kinh doanh như: Bất động sản, dệt may, cao su. Thêm vào đó, các nhóm cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư dài hạn như: Bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng. Các doanh nghiệp có cổ tức, IRR, tiền gửi như: Điện, thu phí giao thông, bảo hiểm. Nhóm ngành được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa là: Du lịch, giải trí, khách sạn, hàng không. Ngoài ra, còn một số ngành liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực (gạo, năng lượng tái tạo), nhóm ít bị tác động bởi môi trường vĩ mô, lạm phát (hàng tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm), nhóm có biên lợi nhuận, dòng tiền ổn định (công nghệ thông tin)./.